headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 17/04/2024 - Ngày 9 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

NGŨ ĐĂNG HỘI NGHUYÊN - CÒN CÓ CÁI ĐÓ SAO ?

07.TutoThiền sư Pháp Dung ở núi Ngưu Đầu, người quê tại Diên Lăng, Nhuận Châu, họ Vi. Năm mười chín tuổi, học thông kinh sử, tìm xem bộ Đại Bát-nhã hiểu thấu lý Chân Không. Một hôm, Ngài tự than: “Đạo Nho, đạo Lão và sách vở ngoài đời chẳng phải là pháp rốt ráo, chỉ có chánh quán Bát-nhã mới là thuyền bè ra khỏi thế gian”. Ngài bèn ở ẩn nơi chùa U Thê, xin thầy cạo tóc, tinh tấn tu tập thiền định. Khi tu có điềm lạ là trăm thứ chim ngậm hoa đến cúng dường.
Khoảng giữa niên hiệu Trinh Quán đời Đường, Tứ Tổ từ xa xem khí tượng biết ở núi kia có dị nhân kỳ đặc, bèn đích thân tìm đến.

Tổ vào núi, thấy Sư đang ngồi nghiêm trang không màng đến ai. Tổ hỏi:
- Ông ngồi đây làm gì?
Sư đáp:
- Quán tâm.
Tổ hỏi:
- Quán là người nào? Tâm là vật gì?
Sư không đáp được, bèn đứng dậy đảnh lễ, hỏi:
- Đại đức vốn ở nơi nào?
Tổ đáp:
- Tôi không có chỗ ở nhất định
Sư hỏi:
- Lại biết Thiền sư Đạo Tín chăng?
Tổ đáp:
- Đạo Tín chính là bần đạo.
Sư bèn dẫn Tổ đi quanh am, chỉ thấy các loài cọp sói, Tổ bèn đưa hai tay lên làm thế sợ!
Sư hỏi:
- Thầy còn cái đó sao?
Tổ hỏi:
- Cái đó là cái gì?
Sư không nói được, im lặng giây lâu, Tổ liền đến phiến đá, chỗ Sư ngồi tọa thiền, vẽ một chữ “Phật” to. Sư trông thấy rùng mình, Tổ hỏi:
- Ông còn cái đó sao?
Sư chưa hiểu, bèn cúi đầu xin chỉ dạy chân yếu.
Tổ bảo:
- Trăm ngàn pháp môn đồng về gang tấc, hà sa diệu đức thảy tại nguồn tâm.
Sư thưa:
- Tâm đã đầy đủ, thế nào là tâm? Thế nào là Phật?
Tổ bảo:
- Chẳng phải tâm tức chẳng hỏi Phật, đã hỏi Phật thì chẳng phải chẳng tâm.
Sư thưa:
- Đã chẳng cho dùng quán hạnh, khi đối cảnh tâm sanh khởi làm sao đối trị?
Tổ bảo:
- Cảnh duyên không có tốt xấu, tốt xấu bởi do tâm, tâm nếu chẳng theo danh, vọng tình từ đâu khởi? Vọng tình nếu chẳng khởi, chân tâm tự trùm khắp. Ông chỉ tùy tâm tự tại không cần phải đối trị, ấy gọi là Pháp thân thường trụ không thay đổi. Ta nhận được pháp môn “đốn giáo” nơi Đại sư Tăng Xán, nay trao lại cho ông, ông hãy khéo tự giữ gìn và tiếp nối về sau, khiến cho chánh pháp được hưng thạnh.

BÌNH:

Pháp Dung ngồi thiền đến nỗi cọp, beo quấn quýt, chim chóc cúng dường, vì sao bị một chữ “Phật” liền thối bước! Lỗi tại chỗ nào? Thế mới biết rõ tâm là Chánh, theo tướng khó thông. Trăm ngàn pháp môn, hằng sa diệu hạnh chẳng riêng đây có. Nếu rõ được tâm, mới biết xưa nay vốn tự lỗi lầm, cảnh duyên trước mắt nào có che ngại? Cho nên chỉ cần: “Tùy tâm không chỗ trụï”, tức thì “chân tánh thường hiện tiền”, chẳng nhọc khởi tâm quán tịnh, đối trị kia đây. Đó là pháp môn “đốn giáo” vậy.
 

[ Quay lại ]