headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 30/03/2024 - Ngày 21 Tháng 2 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Bài 47 — Thích Ca duỗi hai chân

能 仁 雙 趺

Năng Nhân song phu

達 磨 隻 履

Ðạt Ma chích lí

盧 能 賣 薪

Lư Năng mại tân

懶 融 負 米

Lại Dung phụ mễ

187. — Thích Ca duỗi hai chân

Śākia là tiếng Ấn Ðộ, Hán âm là Thích Ca, Trung Quốc dịch ý là Năng Nhân, có nghĩa là bậc có năng lực ban phát lòng nhân từ cho chúng sinh.

Kinh Niết-bàn ghi: Khi ấy ngài Ca-diếp cùng với các vị đệ tử ở tại núi Kì Xà Quật nhập chính định; ở trong chính định, các vị bỗng nhiên cảm thấy trong lòng kinh sợ, toàn thân run rẩy. Lúc xuất định liền thấy đất đai núi non đều chấn động dữ dội, tức biết Như Lai đã nhập Niết-bàn. Lúc bấy giờ, ngài Ca-diếp cùng các đệ tử buồn bã cấp tốc lên đường. Ði vừa đúng bảy ngày thì họ đến thành Câu-thi-na, rồi nhiễu quanh bên phải của “bảo quan” bảy vòng, nước mắt đầm đìa. Ca-diếp nói kệ tán thán:

               Thế Tôn! Con nay nhiều đau khổ,

               Tâm tư mờ tối loạn tưởng nhơ

               Con nay làm lễ đảnh Thế Tôn

               Lại xin đảnh lễ vai Như Lai

               Lại xin đảnh lễ tay Ðại Thánh

               Lại xin đảnh lễ lưng Như Lai

               Lại xin đảnh lễ rốn Như Lai

               Lại xin lễ bái bàn chân Phật

               Nhân đâu chẳng thấy Phật Niết-bàn

               Cuối mong hiển tướng cho con lễ.

Thế Tôn đại bi liền hiển tướng “Thiên bức luân” (là một trong ba mươi hai tướng của Phật: Ở dưới lòng bàn chân Phật có hình “Thiên bức luân” là hình bánh xe ngàn căm) duỗi ra ngoài bảo quan. Từ “Thiên bức luân” phóng ra ngàn hào quang chiếu khắp mười phương. Sau đó, Thế Tôn rút chân vào, bảo quan đóng lại như cũ.

(Theo Truyền Đăng, quyển 1.)

188. — Ðạt Ma quải chiếc dép

Sau khi Sơ Tổ trao pháp truyền y cho Huệ Khả, đúng chín năm sau ngài thị hiện nhập Niết-bàn và được chôn ở phía nam sườn núi Hùng Nhĩ. Sau đó ba năm, sứ giả nước Ngụy là Tống Vân vâng lệnh đi sứ Tây Vực, khi trở về đến ngọn Thông Lãnh, Tống Vân thấy Tổ trên vai quải một chiếc dép và bảo với ông rằng:

– Chủ ông đã qua đời! Còn Ta về Ấn Ðộ.

Vân ban đầu chẳng hiểu. Lúc về đến kinh đô quả nhiên thấy vua băng hà. Về sau, ông tâu lên vua Ngụy Hiếu Trang về việc đã thấy. Vua liền hạ lệnh mở tháp, chỉ thấy còn có một chiếc dép.

Vua liền phụng sắc đem thờ ở chùa Thiếu Lâm. Vào niên hiệu Khai Nguyên thứ 20 (732 TL), chiếc dép bị ăn cắp đem về chùa Hoa Nghiêm, sau đó mất luôn.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 3.)

189. — Bán củi chính Lư Năng

Ðại sư Huệ Năng họ Lư. Lúc Sư vừa được 3 tuổi đã mất cha. Mẹ Sư thủ chí nuôi con đến lớn. Gia đình rất nghèo khó, nên Sư phải kiếm củi bán để giúp mẹ. Một hôm, Sư đang gánh củi trong chợ, bỗng nghe khách tụng Kinh Kim Cang đến câu “Ưng vô sở trụ nhi sinh kì tâm”, Sư liền chợt tỉnh. Rồi Sư đi thẳng đến huyện Hoàng Mai ở Ðông Sơn ra mắt Ngũ Tổ, xin xuất gia.

(Theo: Truyền Đăng, quyển 5.)

190. — Lại Dung gánh gạo nếp

Thiền sư Pháp Dung ở núi Ngưu Ðầu là người xứ Diên Lăng thuộc Nhuận Châu, họ Vi. Năm 19 tuổi, Sư học thông kinh sử, từng xem qua kinh Ðại Bát-nhã, hiểu thấu lí chân không. Một hôm Sư than rằng:

– Sách vở đạo nho chẳng phải pháp cứu cánh, Bát-nhã Chính Quán mới là chiếc thuyền xuất thế.

Sư bèn lánh vào núi Mao, qui y xuống tóc. Về sau, vào thạch thất của chùa U Thê, ở mỏm phương Bắc núi Ngưu Ðầu. Có điềm lạ là trăm chim ngậm hoa đến cúng dường Sư.

Ðời Ðường khoảng niên hiệu Trinh Quán (627 –649), Tứ Tổ từ xa thấy khí tượng mới biết núi kia có bậc kì dị, bèn đích thân tìm đến. Ngài hỏi Tăng chùa:

– Ở đây có Ðạo nhân chăng?

– Có kẻ xuất gia chứ chẳng có đạo nhân.

– Vậy ai là Ðạo nhân?

Tăng không đáp được. Một vị tăng khác nói:

– Cách đây khoảng mười dặm, trong núi sâu có một tên Lại Dung, thấy người chẳng đứng dậy cũng chẳng chắp tay, chẳng biết có phải y là đạo nhân chăng?

Tổ liền vào núi, thấy Sư ngồi thẳng tự nhiên không hề ngoảnh lại, Tổ hỏi:

– Ông làm gì ở đây?

– Quán tâm.

– Quán là người nào, tâm là vật gì?

Sư không đáp được, bèn làm lễ thưa:

– Ðại đức ở đâu?

– Bần đạo không có chỗ ở nhất định, hoặc Ðông hoặc Tây.

– Có biết thiền sư Ðạo Tín chăng?

– Vì sao hỏi ông ta?

– Danh đức ngài vang dội từ lâu, tôi muốn được yết kiến một lần.

– Thiền sư Ðạo Tín chính là bần đạo.

Sư thưa:

– Nhân đâu Ngài đến đây?

– Ðến đây để nói chuyện với ông. Ông có chỗ nào để nghỉ ngơi chăng?

Sư chỉ về phía sau nói:

– Có một am nhỏ.

Sư bèn dẫn tổ đến trước am, đi quanh am thấy toàn là những loài cọp sói. Tổ huơ hai tay làm thế sợ hãi. Sư nói:

– Còn cái đó sao?

– Cái đó là cái gì?

Sư không đáp được. Chốc lát Tổ vẽ một chữ Phật trên phiến đá của Sư ngồi, Sư nhìn thấy hoảng sợ. Tổ nói:

– Còn cái đó sao?

Sư chưa hiểu bèn cúi đầu xin Tổ chỉ chỗ chân yếu. Tổ nói:

– Trăm ngàn pháp môn cùng qui về tự tính, diệu đức hà sa thu về nguồn tâm. Hết thảy giới môn, định môn, huệ môn, thần thông biến hóa thảy tự đầy đủ, chẳng lìa tâm ông. Tất cả phiền não nghiệp chướng xưa nay rỗng lặng. Tất cả nhân quả đều như mộng huyễn, không có tam giới để thoát khỏi, không có Bồ-đề để chứng. Nhân cùng phi nhân tính tướng bình đẳng. Ðại đạo thênh thang rỗng suốt, dứt sạch tư lự. Pháp như thế, nay ông đã được, không thiếu mảy may, nào khác gì Phật, không còn có pháp nào khác. Ông chỉ cần để tâm tự tại, chớ khỏi quán hạnh cũng chớ lóng tâm, chớ mang tham sân, chớ ôm sầu muộn. Thênh thang vô ngại mặc ý tung hoành, chẳng làm điều gì thiện, chẳng làm điều gì ác, đi đứng ngồi nằm, chạm mặt gặp duyên đều là diệu dụng của Phật. Vui sướng không lo nên gọi là Phật.

Sư nói:

– Tâm đã đầy đủ như thế. Cái gì là Phật? Cái gì là Tâm?

– Chẳng phải tâm thì chẳng hỏi Phật, hỏi Phật thời chẳng phải là không Tâm.

Sư nói: Ðã chẳng cho khởi quán hạnh thì lúc gặp cảnh làm sao đối trị?

     Tổ đáp:

              Cảnh duyên không tốt xấu

             Tốt xấu khởi nơi tâm

              Nếu tâm không chấp cảnh

               Chỗ nào vọng tình khởi ?

Chân tâm mặc tình biết khắp, ông chỉ tùy tâm tự tại, ông không phải đối trị, đó là pháp thân thường trụ, không có biến đổi. Ta thọ lãnh pháp môn đốn giáo của đạo sư Tăng Xán, nay giao phó cho ông, ông hãy nhớ kĩ lời ta chỉ trụ ở núi này, về sau sẽ có năm người đạt đạo, nối truyền tông phái của ông.

Tổ truyền pháp xong, liền trở về rặng Song Phong ở cho tới già. Từ đấy, pháp tịch của Sư đại thạnh. Ðời Ðường trong 5 năm, từ năm 650 đến năm 655 TL, đồ chúng thiếu lương thực, Sư phải đến Ðơn Dương cách núi Ngưu Ðầu 80 dặm để hóa duyên. Sư đích thân gánh một thạch tám đấu gạo, sáng đi chiều về để cúng dường cho ba trăm tăng, trọn ba năm như vậy.

(Theo: Hội Nguyên, quyển 2.)

[ Quay lại ]