Bài 51 — Thiền Giám phù hợp sấm
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 05 Tháng mười một 2008 08:05
- Viết bởi nguyen
203. 禪 鑑 符 讖 — Thiền Giám phù hợp sấm
Không có chú giải (DG)
204. 青 州 應 記 — Thanh Châu ứng huyền kí
Thiền sư Ðầu Tử Nghĩa Thanh (nối pháp Ðại Dương Huyền) là người Bản Xã, con nhà họ Lý, dời về ở núi Ðầu Tử v.v… (Ban đầu lúc khai sơn, ngài Từ Tế có huyền kí: Tháp của ta nếu có màu đỏ là ta tái lai).
Chợt người trong làng sửa sang tháp ấy, làm tháp lại bằng mã não. Chẳng bao lâu, Thanh đến lãnh việc quản lí Thiền viện.
Xem thêm tắc 400: “Thanh tục Ðại Dương”.
- Thanh Châu tức Ðầu Tử Nghĩa Thanh là thân sau của ngài Từ Tế, ứng nghiệm với lời dự báo trước của ngài.
(Theo: Tăng Bảo truyện, quyển 17.)
205. 首 山 綱 要 — Thủ Sơn kệ cương yếu
Thiền sư Thủ Sơn Tỉnh Niệm ở Nhữ Châu (nối pháp Phong Huyệt), có bài cương yếu rằng:
Dốt thay chàng trai vụng
(Phần Dương chú rằng: rõ ràng trong sạch)
Khéo léo không người biết
(Gặp lúc chẳng phải mày mặt)
Ðập nát Phụng Lâm quan
(Hết sạch tính dao động)
Mang giầy đứng trên nước
(Bụi đất tự khác)
Dốt thay, cô gái khéo
(Diệu trí lí phần dung)
Ném thoi chẳng biết dệt
(Luôn luôn vụng về)
Xem người khác đá gà
(Kẻ bàng quan xét đoán cựa gà, tranh công chẳng tự hại)
Con trâu cũng chẳng biết
(Hết sức mang đội, chẳng bày đầu sừng)
- Cương yếu: Tóm tắt những điểm quan trọng.
(Theo: Tăng Bảo truyện, quyển 3.)
206. 明 安 宗 旨 — Minh An định tông chỉ
Ngài Minh An (nối pháp Lương Sơn Duyên Quán) nói:
– Thể diệu thất tông nghĩa là kẹt vào việc nghiên cứu diệu lí, đánh mất tông chỉ.
– Cơ muội thủy chung có nghĩa là làm cho đương cơ mờ tối không biết đầu đuôi, chỉ nhận nơi lời nói, tông chỉ chẳng viên mãn.
Mỗi câu nói phải có “không lời trong lời”, “có lời trong không lời” thì mới được diệu chỉ mật viên.
Tông chỉ: Ý chỉ của Thiền.
(Theo: Tăng Bảo truyện, quyển 13.)