headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Bài 62 — Ðông Pha cởi ngọc đái

東 坡 解 帶

Ðông Pha giải đái

裴 休 納 笏

Bùi Hưu nạp hốt

舜 老 民 衣

Thuấn lão dân y

芙 蓉 束 髮

Phù Dung thúc phát

247. — Ðông Pha cởi ngọc đái

Thiền sư Liễu Nguyên Phật Ấn ở núi Vân Cư thuộc quận Nam Khang. Một hôm, Sư cùng học đồ vào thất, vừa lúc ấy cư sĩ Ðông Pha đến (đệ tử của Ðông Lâm Thường Tổng). Gặp mặt nhau Sư nói:

– Chỗ này không có giường ngồi, cư sĩ đến đây làm gì?

Cư sĩ nói:

– Tạm mượn tứ đại của Phật Ấn làm giường ngồi!

– Sơn tăng có một câu hỏi, nếu cư sĩ nói được thì mời ngồi, nếu cư sĩ không nói được thì cởi ngọc đái nơi lưng để lại.

Cư sĩ vui vẻ nói:

– Xin mời ngài hỏi.

Sư hỏi:

– Cư sĩ vừa nói: “Tạm mượn tứ đại của sơn tăng làm giường ngồi, nhưng sơn tăng tứ đại vốn không, ngũ ấm chẳng thật có thì cư sĩ nhằm vào chỗ nào ngồi?

Sĩ chẳng thể đáp, liền để ngọc đái lại. Sư đưa tặng Sĩ lá y Vân sơn. Sĩ liền làm kệ:

Bách thiên đăng tác nhất đăng quang

Tận thị Hằng sa diệu Pháp vương

Cố Ðông Pha bất cảm tích

Tá quân tứ đại tác thiền sàng.

                 1. Ngàn đèn chung sáng một ánh đèn

                     Hết thảy hằng sa diệu pháp vương

                     Vì thế Ðông Pha đâu dám tiếc

                     Mượn anh tứ đại để làm giường.

Bệnh cốt nan kham ngọc đái vi

Ðộn căn nhưng lạc tiễn phong ki

Hội đương khất thực ca cơ viện

Ðoạt đắc Vân sơn cựu nạp y.

                 2. Căn tối đành ngơ trước máy thần

                     Ngặt vì thân bệnh vướng đai cân!

                     Muốn khuyên khất thực nhà ca kỉ

                     Nên mới nhường cho áo nạp tăng.

Thử đái duyệt nhân như truyền xá

Lưu truyền đáo ngã diệc du tai

Cẩm bào thác lạc do tương xứng

Khất dữ dương cuồng lão vạn hồi.

                  3. Ngọc đái người xem đừng truyền nữa

                     Lưu truyền đến mỗ cũng lo thay

                     Cẩm bào trao đổi còn tương xứng

                     Gã điên rất khó xin trả về.

                                           (Theo: Hội Nguyên, quyển 16.)

248. — Bùi Hưu dâng nạp hốt

Tướng quốc Bùi Hưu (đệ tử Hoàng Bá) đến pháp hội của Thiền sư Thạch Sương Khánh Chư. Sư cầm lấy cái hốt của Hưu hỏi:

– Vật này ở trong tay Thiên Tử gọi là Khuê, ở trong tay của lão tăng gọi là cái gì? Nói thử xem!

Hưu không nói được, Sư bèn giữ hốt lại.

(Theo: Thiền Lâm Loại Tụ, quyển 17.)

249. — Thuấn lão mặc áo dân

Hòa thượng Vân Cư Thuấn, tên chữ là Lão Phu (nối pháp Ðộng Sơn Hiểu Thông). Trong lúc Sư còn trụ trì chùa Thê Hiền, do vì sư chẳng chịu đem dâng vật thường trụ cho Quan Thú Hòe Ðô để cầu thân, hầu củng cố địa vị trụ trì nên Sư bị quan vu vạ, bắt Sư phải hoàn tục. Sư bèn ở đậu am Thái Bình.

Sau, vua Nhân Miếu nghe đạo hạnh của Sư, liền sắc cho Sư mặc tăng phục lại, ban cho Sư chén bằng bạc, đưa Sư trở lại trụ trì chùa Thê Hiền. Sư vào chùa có làm bài kệ:

Vô đoan bị tán uổng tao truân

Bình tái hữu dư tác tục nhân

Kim nhật tái qui Tam Giáp tự

Kỉ đa đạo hảo kỉ đa sân.

                   Bị gièm vô cớ gặp gian nan

                   Nửa năm hơn, luống phải làm dân

                   Nay về Tam Giáp ngôi chùa cũ

                   Bao nỗi buồn vui chẳng bận lòng.

                                       (Theo: Tăng Bảo truyện, quyển 3.)

250. — Phù Dung để búi tóc

Thiền sư Ðạo Giai ở Phù Dung (nối pháp Ðầu Tử Nghĩa Thanh). Vào niên hiệu Ðại Quan (1107-1110), Lý Hiệu Thọ làm sớ tâu lên vua Tống Huy Tông, đại lược rằng: “Ðạo Giai có đức hạnh hơn cả ở chốn Tùng Lâm, đáng được khen thưởng …” Vua liền ban cho Sư lá y tăng già lê màu hồng và hiệu Ðịnh Chiếu Thiền sư.

Sư thắp hương tạ ơn xong, lại dâng biểu rằng:

– “Cảm niệm ân đức của Thánh thượng đã quan tâm làm sáng điều lành, nêu cao đức tốt, ban cho thần hiệu Ðịnh Chiếu Thiền sư và một lá y hồng. Thần cảm đội ơn sâu và kính chúc Thánh thượng muôn tuổi.

“Mong bệ hạ nghĩ đến hạnh nghiệp thô sơ, đạo lực kém mỏng của thần, thường phát nguyện chẳng thọ danh lợi, cố giữ ý này đã được nhiều năm. Sở dĩ thần làm như thế ngõ hầu khiến người đời sau chuyên ý vào Phật pháp. Nay tuy nhờ hồng ân của bệ hạ, nếu thần toại tính hèn thì tự trái với lời nguyện lành của thần, rồi sẽ lấy gì để dạy người? Ðâu dám ngửa khen bệ hạ để có ý sai thần nhận giữ. Những y vật của bệ hạ ban cho, thần không dám thọ nhận.

“Cúi mong Thánh thượng từ ân xét thấu nỗi lòng thành thật của thần, thần nguyện suốt đời hành đạo để đền đáp thiên ân”.

Vua Tống Huy Tông xem xong, giao cho quan Lý Hiếu Thọ đích thân đi đến chỗ Sư ở, khuyên sư là đừng trái ý tốt của triều đình, Lý Hiếu Thọ liền đi đến khuyên dụ lắm lời, Sư vẫn quyết định từ chối. Quan Lý Hiếu Thọ tâu hết lên vua, nhà vua nổi giận ra lệnh bắt Sư giao cho quan Hữu Ty tra khảo.

Quan Hữu Ty biết Sư trung thành mà trái ý vua nên hỏi Sư:

– Trưởng lão thân gầy ốm, vậy có bệnh không?

Sư đáp:

– Thường ngày cũng có bệnh, hiện nay thì không bệnh.

Hữu Ty lại nói:

– Nếu có bệnh thì khỏi bị hình phạt của pháp luật.

Sư bảo:

– Ðâu dám dối trá nói bệnh để mong khỏi tội hình!

Quan Hữu Ty ngậm ngùi.

Sư điềm nhiên nhận chịu hình phạt. Sau đó, Sư bị đày mặc áo kẻ phục dịch, để búi tóc và ra ở Tri Châu. Kẻ tăng người tục trông thấy Sư đều rơi nước mắt.

(Theo: Tăng Bảo truyện, quyển trung.)

[ Quay lại ]