Bài 57 — Truyền Minh giải tán chúng
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ tư, 12 Tháng mười một 2008 09:11
- Viết bởi nguyen
227. 傳 明 散 眾 — Truyền Minh giải tán chúng
Thiền sư Giáp Sơn Hội thụy là Truyền Minh Ðại sư (nối pháp Thuyền Tử). Việc giải tán chúng thấy ở tắc 92: “Thuyền Tử đắc lân”.
228. 慈 受 棄 徒 — Từ Thụ bỏ chúng hoang
Thiền sư Hoài Thâm Từ Thụ ở chùa Huệ Lâm Ðông Kinh, sau khi xuất gia được 4 năm, tham phỏng đạo thiền, y chỉ với ngài Tịch Chiếu. Tịch Chiếu nhắc lại nhân duyên “Lương Toại yết kiến Ma Cốc” và hỏi:
– Thế nào là chỗ Lương Toại đều biết hết?
Sư liền thấu suốt. Sau đó, Sư bỏ đi đến trụ Tư Phúc, người đến tham vấn rất đông. Một hôm Thiền sư Phật Giám Huệ Cần ở Tương Sơn hành hóa đến nơi đây. Sư dẫn đi tuần liêu, khi đến “Thiên nhân nhai phường” (nhà tăng chứa ngàn người), Phật Giám hỏi:
– Ðã là nhà tăng chứa ngàn người. Vì sao chỉ có một người vậy?
Sư đáp:
– Nhiều hư chẳng bằng ít thật!
– Vậy sao?
Sư thẹn đỏ mặt. Gặp lúc triều đình muốn lấy chùa Tư Phúc đổi làm Thần tý cung (cung của các đạo sĩ ở), nhân đó Sư bỏ chùa qua Tương Sơn, lưu lại ở Tây am bày ra thỉnh ích. Giám nói:
– Tư Phúc biết là việc không khác liền thôi.
Sư đáp:
– Con thật chưa ổn, ngưỡng mong Hòa thượng chiếu cố cho!
Giám cử tắc “Cô Thanh lìa hồn”. Sư dụng công đến chỗ cùng tột liền sạch mọi nghi ngại, và trình kệ:
Chỉ là chỗ bước lúc xưa kia
Bình thường cử thoại liền sai ngoa
Nửa đêm một trận cuồng phong nổi
Thổi rụng hoa đào biết là bao?
Giám vỗ ghế, nói:
– Ðây há chẳng là ý sống của Tổ sư?
Chẳng bao lâu Sư được chiếu chỉ phải trụ trì chùa Tiêu Sơn.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 16.)
229. 三 峰 玉 琯 — Tam Phong ống sáo ngọc
Lúc Lâm Tế đi hành cước đến chỗ Hòa thượng Tam Phong Bình. Bình hỏi:
– Từ đâu đến?
– Từ Hoàng Bá đến.
– Hoàng Bá có câu nói gì?
Lâm Tế nói:
Ðêm qua trâu vàng bị thiêu cháy,
Cho đến hôm nay chẳng thấy dấu.
Bình nói:
Gió thu thổi sáo ngọc
Có ai là tri âm?
Lâm tế nói:
Xuyên thẳng muôn lớp cổng,
Chẳng dừng khoảng giữa đêm.
Bình nói:
– Ông có một câu hỏi tột trời xanh!
Lâm Tế:
Con rồng sinh ra con phụng vàng,
Ðụng bể pha lê xanh.
Bình nói:
– Xin ngồi uống trà.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 11.)
230. 大 哥 金 鋤 — Ðại Ca cây cuốc vàng
Thiền sư Thạch Môn Hiếu Uẩn (nối pháp Thanh Lâm Kiền) ở Tương Châu, người xứ Kinh Triệu, ban đầu hỏi Thanh Lâm:
– Dụng tâm thế nào để được bằng chư Thánh?
Thanh Lâm ngửa mặt hồi lâu nói:
– Hiểu chăng?
– Chẳng hiểu.
– Ði! Không có chỗ cho ông dụng tâm.
Sư lễ bái liền khế ngộ, rồi ở lại đây làm Tri viên. Ngày nọ Sư đứng hầu, Thanh Lâm hỏi:
– Hôm nay, con làm gì rồi đến đây?
– Trồng trà rồi đến.
– Khắp cõi là Phật thân, con nhằm chỗ nào mà trồng?
Sư thưa:
Cuốc vàng chẳng động đất
Mạ linh sinh chỗ này
Lâm rất vui. Ngày kế, Thầy trò vào vườn, Lâm gọi:
– Xà lê Uẩn!
– Dạ!
– Trồng thêm cây không có bóng, giữ lại cho người sau xem!
– Trồng thêm cây không có bóng, há chịu trồng ư?
Lâm nói:
– Chẳng chịu trồng thì thôi! Ngươi có từng thấy cành lá khác chăng?
– Chẳng từng thấy!
– Ðã là chẳng thấy đâu biết chẳng chịu trồng?
Sư thưa:
– Vì là chẳng từng thấy cho nên chẳng chịu trồng.
– Như thế! Như thế!
Ban đầu Sư trụ ở Lan-nhã Nam Nhạc, ít lâu sau Sư dời về Giáp Sơn, chùa Ðạo Do thuộc Ðàm Châu. Khi ấy có Sở Vương họ Mã ra khỏi thành để mời Sư. Vương tiếp Sư liền hỏi:
– Thế nào là ý của Tổ sư từ phương Tây lại?
Sư đáp:
– Hảo Ðại Ca,
Xe rồng Ðiều Ngự nghìn xưa đẹp,
Duyệt binh lộ ngọc xuất cửa vàng
Vương rất vui, mời Sư vào phủ Thiên Sách cúng dường. Vài ngày sau mới đến Giáp Sơn. Tăng hỏi:
– Thế nào là ý Tổ sư từ phương Tây đến?
Sư đáp:
Ấn ngọc chẳng rời tay Thiên Tử
Há cho người khác biết kho vàng
Tăng:
– Chẳng rơi vào máy móc, thỉnh Sư nói ngay?
Sư đáp:
Trăng thanh cơ nhanh không thể sánh
Anh nay từng hỏi bao nhiêu người?
Tăng:
– Bây giờ xin hỏi Hòa thượng đó!
Sư đáp:
– Hảo Ðại Ca,
Ven mây chẳng phải chín đuôi rớt,
Giận anh chết sớm trở về gò.
Sư gặp phải nạn mọi rợ làm loạn, liền rời Giáp Sơn đến Tương Châu sáng lập chùa Thạch Môn, chấn hưng tông phong trở lại.
Tăng hỏi:
– Lúc trăng mọc ven mây thì thế nào?
– Ba đứa bé ôm trống đẹp. Hảo Ðại Ca, chớ đến đây ngăn tôi đá cầu ở ngoài đường.
Sư ứng cơ phần lớn hay nói “Hảo Ðại Ca” nên người thời bấy giờ gọi Sư là “Ðại Ca Hòa thượng”.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 13.)