Bài 58 — Ðức Sơn đánh bằng gậy
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 13 Tháng mười một 2008 09:06
- Viết bởi nguyen
231. 德 山 行 棒 — Ðức Sơn đánh bằng gậy
Thiền sư Ðức Sơn Tuyên Giám ở Lãng Châu, phàm thấy tăng vào cửa liền đánh.
Bình thường Sư gặp tăng đến tham, phần lớn dùng gậy đánh. Lâm Tế nghe được việc ấy, sai thị giả đến tham vấn Ðức Sơn và dặn rằng:
– Nếu có bị đánh, ngươi chỉ cần giựt lấy gậy đập vào ngực ông ta một gậy.
Thị giả đến nơi vừa lễ bái xong, Sư liền đánh. Thị giả liền chụp gậy nện cho Sư một cái. Sư trở về phương trượng. Thị giả quay về thuật lại cho Lâm Tế. Lâm Tế nói:
– Từ trước đến nay ta nghi lão ấy.
(Theo: Truyền Đăng, quyển 15.)
232. 臨 濟 下 喝 — Lâm Tế dùng tiếng hét
Lâm Tế mỗi lần vừa thấy tăng vào đến cửa liền hét.
Sư bảo với tăng rằng:
– Có lúc một tiếng hét như cây kiếm báu Kim Cang vương. Có lúc một tiếng hét như sư tử ngồi xổm. Có lúc một tiếng hét như cây sào dò, như bóng cỏ. Có lúc một tiếng hét chẳng có tác dụng của một tiếng hét. Ông làm sao lãnh hội?
Tăng do dự. Sư liền hét.
(Theo: Nhân Thiên Nhãn Mục.)
233. 趙 州 布 衫 — Áo vải của Triệu Châu
Tăng hỏi Triệu Châu:
– Muôn pháp qui về một, một qui về chỗ nào?
Sư đáp:
– Ta ở Thanh Châu có may một cái áo vải nặng bảy cân.
(Theo: Truyền Đăng, quyển 10.)
234. 普 化 直 裰 — Áo tràng của Phổ Hóa
Một hôm Phổ Hóa ở ngã tư chợ trong chốn đông người, Sư xin một chiếc áo tràng; nhiều người cho mà Sư chẳng nhận. Lâm Tế sai Viện chủ mua cho Sư một chiếc áo quan. Sư về đến nơi, Lâm Tế bảo:
– Ta sắm cho ngươi một chiếc áo tràng xong.
Sư liền tự vác chiếc áo quan ra đi. Vừa đến ngã tư chợ, Sư hô lên:
– Lâm Tế cho tôi một chiếc áo tràng rồi! Tôi đi qua cửa Ðông thiên hóa đây.
Dân chúng lấy làm lạ, theo xem. Sư bảo:
– Hôm nay tôi chưa chết, ngày mai qua cửa Nam tôi mới chết!
Sư làm như thế đến ba hôm, mọi người đều chẳng còn tin lời Sư nữa. Ðến ngày thứ tư, không có ai theo xem, một mình Sư ra ngoài thành tự chun vào trong áo quan rồi nhờ người đi đường đậy lại. Tức thì tin ấy lan tràn khắp chợ, mọi người tranh nhau mở nắp quan tài lên thì thấy thân Sư biến mất, chỉ nghe trên hư không có tiếng linh văng vẳng rồi mất.
(Theo: Truyền Đăng, quyển 10.)