Bài 100 — Thừa Cổ nối Vân Môn
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ bảy, 27 Tháng mười hai 2008 09:56
- Viết bởi nguyen
399. 古 紹 雲 門 — Thừa Cổ nối Vân Môn
Cổ tháp chủ (Thiền sư Tiến Phúc Thừa Cổ) ban đầu thuyết pháp ở Chi Sơn, nối pháp Vân Môn. Bẩm tính của Sư sáng suốt lạ lùng, gìn giữ đạo đức rất thanh cao. Sư đến tham kiến Thiền sư Kỉnh Huyền ở Ðại Dương. Dương bảo:
– Chỉ là một gã nhà quê!
Sư liền đến thăm ngài Phúc Nghiêm Trĩ. Hòa thượng nói:
– Chỉ là một ông tăng vừa tỉnh cơn say.
Bởi lí do ấy, suốt ngày Sư lặng yên tham cứu về cái lí vĩ đại của Tiên đức. Một hôm, Sư xem ngữ lục của Vân Môn, bỗng nhiên tỉnh ngộ. Kể từ đó Sư ẩn kín chẳng cầu danh tiếng. Sư trụ trì chùa Vân Cư, nơi tháp của Thiền sư Hoằng Giác. Học giả bốn phương nghe danh cùng nhau tìm đến. Nhân đấy mọi người gọi Sư là Cổ tháp Chủ.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 15.)
400. 青 續 大 陽 — Nghĩa Thanh kế Ðại Dương
Ðầu Tử Nghĩa Thanh (nối pháp Ðại Dương Kỉnh Huyền) lúc bảy tuổi có nhiều điềm lạ, đến chùa Diệu Tướng xin xuất gia. Sư xem kinh có cảm ngộ. Học luận Bách pháp chưa bao lâu, Sư than:
– Con đường ba a-tăng-kì xa xôi, tự giam hãm nào có ít gì!
Sư bèn vào thành Lạc nghe kinh Hoa Nghiêm. Ðọc bài kệ của Chư Lâm Bồ tát đến câu “Tức tâm tự tính”. Sư liền phát tỉnh nói:
– Pháp lìa văn tự có thể giảng được sao?
Sư cất bước đi du phương qua các thiền hội.
**
Ngang đây nói về Thiền sư Phù Sơn Viên Giám (Tức ngài Pháp Viễn, Viễn Lục Công, nối pháp Diệu Huyện Qui Tỉnh), nhân lúc Thiền sư đến hội của ngài Ðại Dương. Lời nói và hành động của Viên Giám rất khế hợp với ngài Minh An Diên Công (chỉ cho ngài Ðại Dương). Diên Công than rằng:
– Ta nay già rồi, một Tông Tào Ðộng này trọn không có người để ta trao cho giầy da và áo tràng.
Viễn thưa:
– Con sẽ giữ giầy áo này để tìm người trao cho. Người ấy như thề nào?
Diên thầm căn dặn:
– Ngày sau, nếu có người để truyền trao, ngươi hãy đem bài kệ của ta ra để làm chứng. Kệ rằng:
Cỏ trước núi xanh tươi
Nhờ anh khai hoang với,
Lúa lạ cấy chỗ tốt
Rễ thiêng vốn sâu rồi.
Sau rốt, ngài dặn rằng:
- Người đắc pháp của ta phải ẩn trong chúng mười năm, sau đó mới có thể xiển dương.
Viễn lễ lạy nhận lời phó chúc rồi từ giã ra đi. Về sau, Viễn trụ ở chùa Phù Sơn, lúc già lui về nghỉ ở núi Hội Thánh. Một đêm, Viễn nằm mộng thấy nuôi một con chim cắt rất đẹp, tỉnh giấc ngài cho là một điềm lành.
Ðến sáng ngày ấy, bỗng có Nghĩa Thanh đi đến và lễ ra mắt. Viễn nhận cho ở và dạy khán câu “Ngoại đạo hỏi Phật: Chẳng hỏi có lời, chẳng hỏi không lời” Thanh khán câu này trải qua ba năm. Một hôm, Viễn hỏi:
– Ngươi nhớ thoại đầu chăng, thử nêu ra xem!
Sư toan đáp lại, bị Viễn bụm miệng. Bỗng nhiên, Sư khai ngộ, bèn đảnh lễ. Viễn bảo:
– Ngươi diệu ngộ huyền cơ chăng?
Sư thưa: Nếu có cũng phải mửa bỏ!
Lúc đó, có thị giả Tư đứng bên cạnh, nói:
– Hoa Nghiêm Thanh ngày nay như bệnh được ra mồ hôi.
Sư ngó lại, bảo:
– Ngậm lấy miệng chó, nếu còn léo nhéo sẽ bị ta đánh.
Lại hầu hạ ba năm nữa Viễn đem tông chỉ của Tào Ðộng chỉ dạy cho, Sư đều diệu khế. Viễn đem giầy da đỉnh tướng cùng áo tràng của Ðại Dương trao cho Sư, rồi dặn:
– Ngươi thay ta nối dòng Tào Ðộng, ta ở đời chẳng còn lâu nữa, phải khéo hộ trì.
Sư bèn từ giã ra khỏi núi.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 14.)
- Thanh tức là ngài Nghĩa Thanh ở Ðầu Tử.
401. 多 羅 轉 經 — Ða-la tụng kinh sống
Tổ thứ hai mươi sáu là Bất-như Mật-đa. Sau khi Tổ đắc pháp được truyền tâm ấn, liền đi sang vùng Ðông Ấn để diễn thuyết pháp yếu cho vua nghe, khiến vua hướng về chân thừa. Tổ bảo với vua rằng:
– Nước này sẽ có Thánh nhân nối tiếp tôi truyền đạo.
Khi ấy, có một đồng tử, vốn là con dòng Bà-la-môn tuổi vừa hai mươi, cha mẹ mất sớm, chẳng biết tên họ là gì. Có khi đồng tử này tự xưng là Anh Lạc, nên dân chúng thường gọi là Ðồng Tử Anh Lạc. Ðồng tử này tính tình phóng khoáng lạ thường, hay lang thang qua các làng xin ăn để sống qua ngày. Gặp lúc đồng tử đi nhanh, có người chạy đi theo hỏi:
– Sao anh đi nhanh vậy?
Ðồng tử đáp: Các người sao đi chậm quá!
Hoặc có người hỏi: Anh họ gì?
Ðồng tử đáp: Tôi với các người đồng họ.
Một hôm, vua cùng Tôn giả Bất-như Mật-đa ngồi chung xe ra khỏi thành, chợt thấy đồng tử Anh Lạc ra đón, đứng trước xe làm lễ. Tôn giả hỏi:
– Ngươi có nhớ việc xưa chăng?
Anh Lạc thưa:
– Tôi nhớ lúc xưa trong cùng một pháp hội, Tôn giả giảng kinh Ma-ha Bát-nhã, tôi giảng Tu-đa-la thậm thâm. Duyên xưa lại gặp, nên mới đón nhau đây.
Tôn giả lại bảo với vua rằng:
– Ðồng tử này là hóa thân của Bồ tát Ðại Thế Chí, ra đời để nối dòng pháp cho tôi. Sau vị Thánh này sẽ có hai vị Ðại sĩ ra đời, một vị sẽ giáo hóa ở Nam Ấn, một vị có duyên với nước Trung Hoa, nhưng ở bên ấy khoảng bốn năm năm rồi trở về bản quốc.
Tôn giả nhân nhớ việc xưa nên gọi đồng tử lại gần và đặt tên cho là Bát-nhã Ða-la.
* * *
Tổ Bát-nhã Ða-la, một hôm, nhân Quốc Vương xứ Ðông Ấn thỉnh Tổ phó trai, vua hỏi Tổ:
– Tôi thấy các Sư, vị nào cũng tụng kinh, chỉ riêng Tôn giả vì sao chẳng tụng kinh?
Tổ đáp:
– Bần đạo khi thở ra chẳng rơi vào các duyên, khi hít vào chẳng ở trong ấm giới. Thường tụng kinh như thế, trăm ngàn muôn ức quyển chứ chẳng phải chỉ có một hai quyển mà thôi.
(Theo: Thiền Lâm Loại Tụ, quyển 1.)
402. 俱 胝 誦 咒 — Câu Chi tụng chú thần
(Nối pháp Thiên Long). Không có chú giải (DG)