headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 25/12/2024 - Ngày 25 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

143 - Thần Ðỉnh bánh cơm khô

神 鼎 碎 餅

Thần Ðỉnh toái bỉnh

趙 州 斷 薪

Triệu Châu đoạn tân

石 窗 省 母

Thạch Song tỉnh mẫu

洞 山 辭 親

Ðộng Sơn từ thân

571. — Thần Ðỉnh bánh cơm khô

Thiền sư Hồng Ân ở ẩn nơi Tam Sinh Tàng của rặng Hành Nhạc, có một thanh niên tên Hữu Tộc đến thăm ngài.

 Khi vào thất, Hữu Tộc thấy vẻ mặt của ngài thanh thản, trong lời nói không nhắc đến việc thương ghét, thân sơ, trong cuộc sống thì thanh bạch, chỉ có một bát treo trên vách; Hữu Tộc mới thưa rằng:

– Sư đâu nên ở đậu mãi, xin thỉnh Sư ra trụ trì. Có ngôi chùa Thần Ðỉnh gần nhà của con, là chỗ mà con thường trồng cội phúc, đã lâu không có người trụ trì, con thỉnh Sư đến đấy.

Ngài Hồng Ân cười nhẹ rồi đáp:

– Vâng, anh hãy đem ngựa đến đây chở Ân này về.

Ðến nơi, hôm đầu tiên, ngài cũng cho dọn cơm cháo như các chùa khác. Một năm sau, chùa Thần Ðỉnh là một nơi tu hành có ba mươi đồ chúng.

Thiền tăng Khế Tung, lúc còn trẻ đã có lần đến chùa này, gặp ngài Hồng Ân đang ngồi ở nhà trên, ngài đưa tay chỉ ra sân sau, chỗ để hai cái hũ và nói:

– Ông đến đây thật đúng lúc, năm nay trong chùa mới có tương ăn.

Ðến sáng, khi ăn cháo, Tung thấy một tịnh nhân mang một cái giỏ, gắp đồ vật trong đó để vào trong bát của chúng tăng. Tung đưa mắt nhìn trên dưới, thấy có người nhai nhấm chút ít, có người để đó không ăn. Tung cũng không ăn, bỏ vật kia vào tay áo, xuống dưới nhà xem kĩ lại, thì ra đó là một thứ bánh làm bằng cơm khô. Tung hỏi các bậc Trưởng lão thì được biết chùa này từ trước đến nay không có nấu cháo buổi sáng. Nếu ngày nào có đàn việt thỉnh trai, thì ngài Hồng Ân lần lượt phái chư tăng đi, như ăn xong còn thừa thì mang về phơi khô để trong kho. Loại cơm khô này sẽ được phân phát đồng đều vào những ngày không có người thỉnh trai.

Vị Ðường đầu nói:

– Ông đến đây gặp lúc phải ăn bánh cơm khô.

Tung nghe nói rất ngại.

572. — Triệu Châu bẻ làm củi

Sư húy là Tùng Thẩm, tự mang bình cầm tích trượng đi khắp nơi để tham vấn. Sư thường tự bảo rằng:

– Ðứa bé bảy tuổi hơn ta thì ta hỏi nó, ông già trăm tuổi chẳng bằng ta thì ta dạy ổng.

Ðến năm 80 tuổi, Sư mới trụ viện Quán Âm ở phía Ðông thành Triệu Châu. Sư trụ trì khô khao, chí noi theo người xưa. Tăng đường trống trước trống sau, việc ăn uống thì qua loa. Giường thiền bị bẻ gãy một chân để làm củi chụm, Sư dùng dây cột lại để dùng. Mỗi khi có người muốn thay chiếc giường mới cho Sư, Sư chẳng chịu. Sư trụ trì 40 năm chưa từng viết một lá thư hỏi thăm đàn việt.

(Theo: Triệu Châu Chân Tế Thiền sư hành trạng.)

573. — Thạch Song thăm viếng mẹ

Thiền sư Thạch Song Cung nương ở Thiền sư Thiên Ðồng Hoằng Trí đã lâu, không có một chức vụ lớn hay nhỏ nào mà Sư chẳng làm qua.

Một hôm Sư trở về nhà thăm viếng mẹ. Mẹ Sư nói:

– Con hành cước vốn là vì sinh tử, độ cha mẹ mà thường vì người làm Chủ sự. Nếu chẳng thấu suốt được nhân quả thì sẽ làm lụy đến ta ở chốn suối vàng!

Sư nói:

– Ðối với của Thường trụ, con chẳng dám khinh thường dù mảy may. Một ngọn đèn, một cây đuốc con đều chia cho mọi người dùng. Mẹ chớ lo cho con!

Mẹ sư nói:

– Nhưng khi qua sông, con giữ được không để ướt chân chưa?

(Theo: Nhân Thiên Bảo Giám.)

574. — Ðộng Sơn từ giã cha mẹ

Trong bức thư từ giã cha mẹ, ngài Ðộng Sơn Lương Giới có viết:

– Con thường nghe nói: Chư Phật ra đời đều do cha mẹ các ngài sinh ra, muôn loài sinh trưởng thảy nhờ trời đất che chở. Vì có cha mẹ mới có thân mình nên mình phải nhớ ân dưỡng dục, nhờ có trời đất mới có sự sinh trưởng nên vạn vật phải chịu cái đức chở che.

Than ôi, muôn vật hữu tình lẫn vô tình đều bị luật vô thường, sinh diệt chi phối. Công cho bú mớm tuy có nặng thật, ân dưỡng nuôi tuy có sâu thật, nhưng nếu đem của cải thế gian, miếng ngon vật lạ để cung phụng cho cha mẹ suốt đời, con thiết nghĩ đó chẳng phải là sự báo đáp tốt đẹp lâu dài.

Hiếu kinh nói: “Dù hằng ngày dùng thịt ba con vật: bò, heo, dê để nuôi cha mẹ còn chẳng phải là hiếu”. Vì sao như thế? Vì đây là tạo nghiệp cùng dắt nhau chìm đắm trong luân hồi. Thế nên, ai muốn báo đáp ân đức vô cùng ấy, không gì bằng công đức xuất gia: Lấp bít dòng sông ái dục của sinh tử, vượt qua biển khổ phiền não, báo đáp công ơn của cha mẹ trong ngàn muôn kiếp, bốn ân ba cõi đều đền đáp xong. Kinh nói: “Một người con xuất gia, chín họ được sinh Thiên”. Lương Giới nguyện bỏ thân mạng đời này, chẳng trở về nhà, đem căn trần từ nhiều kiếp tu tập để mau tỏ ngộ Bát-nhã.

Cúi mong cha mẹ hoan hỉ cho con xuất gia, cha mẹ hãy theo gương Quốc vương Tịnh Phạn và Thánh hậu Ma-da chớ nên lưu luyến. Ngày nào đó trong pháp hội của chư Phật, cha mẹ sẽ gặp lại con thôi! Còn như hôm nay hãy tạm xa nhau, chẳng phải con muốn mau mau tránh né sự phụng dưỡng song thân, nhưng ngặt vì thời gian chẳng đợi người, như người xưa có nói: “Thân này chẳng tu ngay đời hiện tại, còn đợi đến bao giờ?”.

Con mong rằng cha mẹ nén lòng thương nhớ mà đừng gởi thư cho con.

Vị liễu tâm nguyên độ sổ xuân

Phiên sai phù thế mạn thuân tuần

Kỉ nhân đắc đạo Không môn lí

Ðộc ngã yêm lưu tại thế trần

Cẩn cụ xích thư từ quyến ái

Nguyện minh đại pháp báo từ thân

Bất tu sái lệ tần tương ức

Thí tự đương sơ vô ngã thân.

                  Nguồn tâm chưa tỏ đã bao xuân

                  Cuộc đời mây nổi cứ dừng chân

                  Cửa thiền đắc đạo bao nhiêu đấng,

                  Trần thế quẩn quanh con có phần.

                  Kính bức thư này từ quyến thuộc,

                  Nguyện khi đắc pháp, đáp đền ân.

                  Hãy xem như thể con không có,

                  Nỗi nhớ niềm thương sẽ hết dần.

Nham hạ bạch vân thường tác bạn

Phong tiền bích chướng dĩ vi lân

Miễn can thế thượng danh dữ lợi

Vĩnh biệt nhân gian ái dữ tăng

Tổ ý trực giao ngôn hạ hiểu

Huyền vi tu thấu cú trung chân

Hợp môn thân thích yếu tương kiến

Trực đãi đương lai chứng quả nhân.

                 Mây trắng đầu non là bạn lứa

                 Láng giềng của tớ: vách rêu xanh

                 Yêu ghét tình đời xin gác lại

                 Lợi danh hai chữ trả cho anh.

                 Ngay nơi lời nói thông ý Tổ

                 Ở trong câu sống ngộ cơ thần

                 Muốn gặp nhau đây cần cố gắng

                Chờ đợi mai sau chứng quả nhân.

(Theo: Chư tổ kệ tụng.)

[ Quay lại ]