headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 25/12/2024 - Ngày 25 Tháng 11 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

khanhtueSuOng2024

141 - Thiếu Lâm bài xích tướng

少 林 斥 相

Thiếu Lâm xích tướng

牛 頭 辨 通

Ngưu Ðầu biện thông

道 通 石 紫

Ðạo Thông thạch tử

緣 德 塔 紅

Duyên Ðức tháp hồng

563. — Thiếu Lâm bài xích tướng

Tổ Ðạt Ma tuy ở Ấn độ nhưng xét biết ở Trung Quốc chúng sinh có căn khí Ðại thừa nên ngài vượt biển đến nơi đây để khai thị nẻo mê bằng cách chỉ truyền tâm ấn, chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, kiến tính thành Phật.

Ban đầu, ngài gặp Lương Võ Ðế; do vua chẳng khế hợp nên ngài lặng lẽ sang sông đến đất Ngụy, lên chùa Thiếu Lâm rồi ngồi xoay mặt vào vách đến chín năm. Trước khi tiếp độ Huệ Khả, ngài đã từng bàn luận nghĩa lí với Tam Tạng Bồ-đề Lưu-chi và Luật sư Quang Thống của nhà Ngụy. Ngài phá tướng triệt để và chỉ thẳng tâm tính cho họ, nhưng do khí lượng hẹp hòi chẳng thể lãnh hội, họ còn manh tâm hại ngài. Ngài đã bị họ đầu độc nhiều lần, đến lần thứ sáu ngài xét thấy đã có người truyền pháp, duyên hóa độ đã xong nên ngài không tự giải độc mà ngồi ngay thẳng thị tịch. Nhục thân của ngài được chôn ở chùa Thiếu Lâm trên núi Hùng Nhĩ. Ðời Hậu Ngụy, Tống Vân phụng sứ đi sang Ấn Ðộ, đến rặng Thông Lĩnh (parmir) thì gặp ngài tay xách dép đi qua sông.

(Theo: Bích Nham lục.)

564. — Ngưu Ðầu giảng giải thông

Thiền sư Pháp Dung ở núi Ngưu Ðầu thuộc Kim Lăng, năm 19 tuổi học thông kinh sử, nghiên cứu bộ Ðại Bát-nhã, hiểu đạt Chân không. Một hôm, chợt than rằng:

– Sách vở của đạo Nho chẳng phải là pháp cứu cánh. Chính quán Bát-nhã mới là thuyền bè xuất thế.

Sư vào Mao Sơn ở ẩn, theo thầy xuất gia. Sau đó, Sư vào ở thất đá của ngọn U Thê thuộc rặng Ngưu Ðầu, có điềm linh dị là trăm chim ngậm hoa cúng dường.

Theo Tông Cảnh Lục, Bành Thành Vương hỏi:

– Này chư Ðại đức, nếu các vị chứng quả thì mới thành bậc Thánh. Bậc Thánh phải biết phóng ánh sáng, làm mặt đất rung chuyển, bay lên hư không, nách trái phun nước, nách phải phun lửa. Nếu các vị làm được như thế thì tôi lễ bái các vị, tôn làm bậc Thầy.

Ðại sư Pháp Dung ở núi Ngưu Ðầu đáp:

– Hôm nay, nếu Bệ hạ mong chúng tôi chứng quả như thế thì e rằng việc làm ấy trái với Ðại đạo. Xét cho kĩ, nếu làm như thế mà thành Phật thì các nhà ảo thuật cũng làm Phật được. Ngày xưa, Ðức Thích Ca mang hình thức một vị Ðại đức diễn nói đạo Vô thượng mà tướng Ðại đức của ngài không đổi khác. Ngài Duy-ma mang hình thức thế tục mà nói quả giải thoát song tướng thế tục của ngài chẳng đổi khác. Phu nhân Thắng Man thuyết về pháp Ðại thừa mà tướng người nữ của bà chẳng đổi. Tì-kheo Thiện Tinh hành hạnh Xiển-đề mà Tăng tướng của ông ta chẳng đổi. Ðây là các chứng cứ nói lên ý nghĩa sự giải thoát là do nơi tâm chứ không dính dáng đến sắc thân, nam nữ, tướng mạo, y phục, tốt xấu. Nếu cho bậc Thánh có sự thay đổi tướng mạo sau khi chứng ngộ thì Cù-đàm ắt phải đổi thân mới thành Phật Thích Ca, Duy-ma ắt phải biến tướng mới thành Ðấng Kim Túc. Thế thì đã rõ, chứng là do tâm chứng, ngộ là do trí biến chứ chẳng phải thân tướng biến hóa, ví như người thế gian ra làm quan thì kiến thức của ông ta có sự biến đổi từ thấp lên cao chứ chẳng phải ông ta có mặt mày nào khác.

(Theo: Truyền Đăng lục.)

565. — Ðạo Thông ngọc màu đỏ

Thiền sư Ðạo Thông trụ núi Tử Ngọc ở Ðường Châu. Ðời Ðường, vào niên hiệu Thiên Bảo thứ 1 (742), khi Mã Tổ truyền bá Thiền tông ở ngọn núi Phật Tích thuộc Kiến Dương, Sư đến đấy để tham học. Về sau, Mã Tổ sắp thị tịch có bảo Sư rằng:

– Núi đá cẩm thạch đẹp tươi có ích cho đạo nghiệp của ngươi. Nếu ngươi có gặp núi ấy thì nên trụ lại.

Sư chẳng hiểu lời nói này của Mã Tổ.

Mùa thu năm ấy, Sư cùng với Thiền sư Tự Tại (vốn ở núi Phục Ngưu) đến Lạc Dương, đi khá xa về phía Tây của Ðường Châu thấy một núi cao đứng trơ trọi nhưng đẹp nhất so với các ngọn xung quanh. Sư hỏi thăm dân làng thì biết đó là núi Tử Ngọc. Sư leo dốc lên đến đỉnh, thấy có một tảng đá vuông vắn màu đỏ tím sáng bóng, Sư khen.

– Quả là Tử Ngọc vậy!

Sư trực nhớ lời của Mã Tổ, mới biết là Tiên sư huyền kí cho mình. Sư liền cắt cỏ tranh làm nhà để ở. Về sau, người học bốn phương hội tụ lại núi này để tham học với Sư.

(Theo: Truyền Đăng lục.)

566. — Duyên Ðức tháp sắc hồng

Ðạo Mân làm đến chức quan học Ðại Lương, chợt chán ngán trần tục, xin xuất gia, thụ giới Cụ túc. Về sau tham học với nhiều bậc Thầy giỏi, hầu hạ ngài Chân Như Triết Công. Sau đó rất lâu, Sư nghe danh đức của Thiền sư Lặc Ðàm Càn, liền đến xin nương tựa với ngài. Vừa gặp, Lặc Ðàm liền biết Sư là người mà chư tăng ở Ðại Qui gọi là Mân Cổ Phật, thầm biết Sư là pháp khí. Một hôm, Lặc Ðàm bảo Sư rằng:

– Cảnh Lô Sơn rất đẹp, nhân duyên hoằng hóa của ngươi tại đó.

Sư liền từ tạ Lặc Ðàm rồi ra đi. Sau khi ra hoằng pháp, Sư từ Quán Khê của Giang Hạ dời đến Viên Thông ở Lô Sơn.

***

Ngang đây xin nói về Thiền sư Ðạo Tế. Trước khi thị tịch, Thiền sư Ðạo Tế phân phó sư Viên Thông trụ trì, rồi dặn dò đại chúng:

– Khi nào ngôi tháp của ta từ màu xanh đổi sang sắc hồng là ta tái lai.

Nói xong, ngài thị tịch, vua ban thụy hiệu là Duyên Ðức.

***

Sư Ðạo Mân đến Lô Sơn vào một buổi chiều. Chiều hôm ấy, ngôi tháp của ngài Ðạo Tế bỗng đổi từ màu xanh sang màu hồng. Mọi người xa gần đều thấy làm lạ và đoán biết Sư là thân sau của ngài Ðạo Tế. Do duyên cớ ấy, khi Sư khai pháp ở Lô Sơn, tông phong hết sức hưng thịnh, nạp tử các nơi kéo đến rất đông.

(Theo: Tăng Bảo Chính Tục truyện.)

Xem thêm tắc 692: “Ðầu Tử tuấn ưng”.

[ Quay lại ]