Bài 136 — Pháp Diễn bốn điều răn
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ năm, 12 Tháng Hai 2009 09:02
- Viết bởi nguyen
543. 法 演 四 戒 — Pháp Diễn bốn điều răn
Hòa thượng Phật Giám khi sắp nhận lời mời Trụ trì chùa Thái Bình ở Thư Châu, Sư làm lễ từ giã Ngũ Tổ. Tổ dạy:
– Ðại khái người Trụ trì phải tự răn mình. Có bốn điều để tự răn:
1/ Có quyền thế chẳng nên sử dụng hết.
2/ Có phúc lộc chẳng nên thọ nhận hết.
3/ Qui củ chẳng nên thi hành hết.
4/ Lời lẽ hay chẳng nên nói ra hết.
Vì cớ sao? Bởi vì lời hay nếu nói ra hết thì người ắt cho là dễ dàng, qui củ mà thi hành hết thì người ắt phiền hà, phúc lộc nếu hưởng hết thì gặp duyên khổ ắt không có ai giúp, quyền thế nếu đem ra sử dụng hết thì tai họa ắt đến.
Giám rất khâm phục, lễ lạy một lần nữa rồi lui.
544. 守 初 三 頓 — Thủ Sơ ba trận đòn
Ðộng Sơn Thủ Sơ (nối pháp Vân Môn) đến ngài Vân Môn. Môn hỏi:
– Ngươi vừa từ đâu đến?
Sư thưa:
– Từ Tra Ðộ đến.
– Mùa Hạ rồi ngươi ở đâu?
– Chùa Báo Từ ở Hồ Nam.
– Rời chỗ ấy vào lúc nào?
– Ngày 25 tháng 8.
– Tha cho ngươi ba trận đòn.
Thủ Sơ mờ mịt. Giây lâu hỏi lại Vân Môn:
– Con đến đây đối đáp chẳng thấy có lỗi gì, lại nhờ Hòa thượng tha cho ba trận đòn, thật con chẳng biết lỗi tại đâu?
Môn quở rằng:
– Ðồ vô dụng! Con cháu của Giang Tây, Hồ Nam mà thương lượng ít như thế!
Thủ Sơ liền ngộ được ý chỉ, nói:
– Mai này việc ổn đáng nhất là con sẽ ở chỗ không có đầu bếp, không chứa một hạt thóc, tiếp đãi chư tăng khắp mười phương.
Ngay hôm ấy, Thủ Sơ từ giã Vân Môn ra đi.
(Theo: Truyền Đăng, quyển 23.)
545. 成 禪 一 喝 — Một hét của Thành Thiền
Thiền sư Tịnh Nhân Thành cùng với Pháp Chân, Viên Ngộ, Từ Thọ và mười vị đại Pháp sư cùng nhau đến phủ của Thái úy Trần Công Lương Bậc. Khi ấy, vua Huy Tông lén đến quan sát pháp hội. Thiện Hoa Nghiêm ra trước đại chúng hỏi các vị Thiền sư rằng:
- Phật-đà của chúng ta lập bày giáo hóa từ Tiểu thừa đến Viên đốn, quét sạch Không, Hữu riêng chứng Chân thường, sau đó dùng muôn đức để trang nghiêm mới gọi là Phật. Thiền tông lấy một tiếng hét chuyển phàm thành Thánh, cùng với các kinh luận dường như trái nhau. Hôm nay, một tiếng hét nếu hay vào ngũ giáo thì là chính thuyết, nếu chẳng hay vào thì là tà thuyết.
Các Thiền sư quay lại nhìn Thành, Thành nói:
– Như chỗ hỏi của Pháp sư chẳng đáng cho ba vị đại Thiền sư trả lời. Tịnh Nhân tiểu trưởng lão khả dĩ khiến cho Pháp sư không còn nghi ngờ.
Thành liền gọi Thiện. Thiện ứng thinh: “Dạ!”
Thành nói:
– Pháp sư nói ngũ giáo: Giáo lí Tiểu thừa đó là nghĩa: “có” vậy; Ðại thừa Thỉ giáo là nghĩa “không” vậy; Ðại thừa Chung giáo là nghĩa “chẳng phải có, chẳng phải không” vậy; Ðại thừa đốn giáo là nghĩa “tức có tức không” vậy; Nhất thừa Viên giáo là nghĩa chẳng “không mà chẳng có, chẳng có mà chẳng không” vậy. Như một hét của tôi chẳng những vào được ngũ giáo mà cho đến Bách gia chư tử, trăm công kĩ nghệ thảy đều vào được.
Thành liền hét một tiếng, hỏi Thiện:
– Pháp sư có nghe chăng?
– Nghe!
Thành bảo:
– Ông đã nghe thì một hét này là “có” hay vào Tiểu thừa giáo.
Trong phút chốc, Thành lại hỏi Thiện:
– Pháp sư có nghe chăng?
– Chẳng nghe!
Thành bảo:
– Ông đã chẳng nghe đến chỗ này thì một tiếng hét là “không” hay vào Thỉ giáo.
Thành lại quay đầu nhìn Thiện, nói:
– Ban đầu tôi hét một tiếng, ông nói là có hét. Giây lâu, âm thanh tiêu mất, ông lại nói không. Nói không thì nguyên lúc ban đầu thật có, nói có thì bây giờ thật không. “Chẳng phải có chẳng phải không” hay vào Chung giáo.
Thành lại nói:
– Lúc tôi có hét: Có cũng chẳng phải có, bởi nhân không mà có. Lúc tôi không hét: Không chẳng phải là không, bởi nhân có mà không. “Tức có tức không” hay vào Ðốn giáo.
Tiếng hét của tôi, chẳng có tác dụng một tiếng hét, có không cả hai chẳng thể kịp, tình giải đều quên. Lúc nói có thì mảy lông cũng chẳng lập, lúc nói không thì biến khắp hư không. Tức một tiếng hét này vào trăm ngàn muôn ức tiếng hét, trăm ngàn muôn ức tiếng hét vào một tiếng hét này, cho nên hay vào Viên giáo.
Thiện ở nơi tòa bất giác đứng dậy làm lễ trước mặt Thành. Thành lại vì Thiện nói thêm:
– Chẳng phải chỉ một tiếng hét mới như thế, cho đến nói nín, động tịnh trong mọi lúc, mọi nơi, ở tất cả vật, tất cả việc, đều phù hợp với chân lí, phù hợp với căn cơ biến khắp không dư thừa.
Lúc bấy giờ, bốn chúng đều vui mừng nghe được việc chưa từng nghe. Gương mặt của nhà vua trông rất hớn hở.
(Theo: Giả Lục, quyển thượng.)
546. 太 宗 十 問 — Mười câu hỏi của Thái Tông.
1. Một hôm, Hoàng đế Thái Tông đi chơi ở chùa Tướng Quốc thấy một vị tăng xem kinh. Vua liền hỏi:
– Thầy xem kinh gì thế?
Vị tăng đáp:
– Kinh Nhân vương.
– Ðã là kinh của Quả nhân sao lại ở trong tay thầy?
Vị tăng không đáp được. Tuyết Ðậu đáp thay:
– Hoàng Thiên không thân thuộc, chỉ có đức mới giúp được ông ta.
2. Vua đi dạo chơi gặp lúc chùa mở bảo tháp, vua hỏi:
– Thầy là người nào?
– Tháp chủ.
– Tháp của Trẫm vì sao thầy làm chủ?
Tăng không đáp được. Tuyết Ðậu đáp thay:
– Cả nước đều biết.
3. Một hôm, nhân tăng triều kiến, vua hỏi:
– Từ nơi nào đến đây?
– Từ Am Ngọa Vân ở núi Lư Sơn đến.
– Trẩm nghe nói chỗ mây che dầy đặc chẳng thể thấy mặt trời. Vì sao thầy đến đây được?
Tăng không đáp được. Tuyết Ðậu đáp thay:
– Lánh nạn cho đến chết.
4. Tăng vào cung đến trước vua, tâu rằng:
– Bệ hạ có nhớ ra tôi chăng?
– Ở chỗ nào thấy nhau?
– Từ độ chia tay ở Linh Sơn cho đến hôm nay!
– Thầy lấy cái gì để làm chứng?
Tăng không đáp được. Tuyết Ðậu đáp thay:
– Bần đạo có thể đến được.
5. Tạng kinh nơi chùa Hồi Lộc trong kinh đô thảy đều thiêu rụi vì tai nạn binh lửa. Tăng muốn xin vua cấp lại. Vua cho gọi tăng và hỏi:
– Ngày xưa, ngài Ma-đằng chẳng đốt, hôm nay vì sao lại đốt?
Tăng không đáp được. Tuyết Ðậu đáp thay:
– Bệ hạ chẳng quên phó chúc.
6. Vua từng nằm mộng thấy thần nhân báo rằng:
Thỉnh Bệ hạ phát Bồ-đề tâm.
Nhân đó, sáng sớm vua lâm triều bày tỏ việc ấy ra, rồi hỏi các quan tả hữu rằng:
– Bồ-đề tâm làm sao phát?
Các quan tả hữu không đáp được. Tuyết Ðậu đáp thay:
– Nói đúng ra, xưa nay ít được nghe!
7. Ðại sư Trí Tịch dâng lên vua bức họa đồ về ba cõi (Tam giới đồ), vua hỏi:
– Trẫm đang ở trong cõi nào?
Trí Tịch không đáp được. Bảo Ninh Dũng đáp thay:
– Bệ hạ chỗ nào chẳng xưng tôn!
8. Một hôm, nhân lúc bãi triều, vua giơ cái bát lên hỏi vị Thừa tướng đang đi theo sau vua:
– Ở ngọn Ðại Dũ đã nhấc lên chẳng nổi, vì sao lại ở trong tay của Trẫm?
Thừa tướng đáp không được.
- Tiêu đề ghi là Thái Tông thập vấn, nhưng trong phần chú thích chỉ thấy có 8 câu (DG)
(Theo: Hội Nguyên, quyển 6.)