headertvtc new


   Hôm nay Thứ sáu, 19/04/2024 - Ngày 11 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Bài 133 — Phật Quang được màn gấm

佛 光 錦 帳

Phật Quang cẩm trướng

祐 國 金 襴

Hựu Quốc kim lan

湑 終 海

Tư chung hải đảo

亮 隱 西 山

Lượng ẩn Tây Sơn

531. — Phật Quang được màn gấm

Thiền sư Phật Quang Vô Ngại từ chùa Vĩnh An ở Tô Châu được chiếu thỉnh đi Trụ trì Thiền viện Huê Lâm trong chùa Ðại Tướng Quốc.

Huệ Cung Hoàng Hậu từng ở trong rèm thấy Sư lên lầu đối đáp xong, rồi nương hư không mà đi. Bởi lí do đó, bà sai Thái giám đem cơm vua đến cúng dường Sư, lại khiến mang những thức ăn thừa của Thiền sư trở về cung; còn dùng gấm vóc cắt làm Pháp y, tự bà khâu Thiền bài ban cho Sư để chứng tỏ lòng thành kính tôn sùng chính pháp. Qua tháng mùa Ðông, bà lại ban cho Sư tấm màn bằng gấm đỏ, cho đến quần áo đẹp, các loại đồ dùng, chén bát v.v…

Thiền sư Phật Quang liền đem Pháp y được vua ban cúng dường cho Thiền sư Pháp Vân Phật Chiếu. Pháp Vân lại gởi cho Hòa thượng Bảo Phong Trạm Ðường ở Hồng Châu. Bức thư viết: “Cho sư đệ Pháp y bằng gấm vóc để hành đạo của Tiên sư”. Trạm Ðường thị tịch, Pháp y để lại ở sơn môn, đến nay vẫn còn.

532. — Hựu Quốc y kim lan

Không có chú giải (DG)

533. — Tư mất ngoài hải đảo

Hai hạng mục 532 và 533 không có chú giải (DG)

534. 西 — Lượng ẩn ở Tây Sơn

Lượng Tọa chủ ở Tây Sơn Hồng Châu là một nhà bác học, thông các kinh luận. Khi tham bái Mã Tổ, Tổ hỏi:

– Nghe nói Tọa chủ học thông các kinh luận phải không?

Lượng đáp:

– Không dám!

Mã Tổ:

– Ðem cái gì để giảng kinh?

– Ðem tâm để giảng.

– Tâm như người múa hát, ý như người hòa nhạc, làm sao tâm biết giảng?

Lượng lớn tiếng cãi:

– Tâm không biết giảng, hư không giảng được chắc?

Tổ nói:

– Quả nhiên hư không giảng được.

Lượng phất tay áo mà đi. Tổ bèn gọi:

– Tọa chủ!

Lượng xoay đầu lại, Tổ bảo:

– Từ sinh đến chết chỉ là cái ấy!

Lượng hoát nhiên đại ngộ, liền làm lễ Tổ, Tổ bảo:

– Cái ông thầy dốt chậm lụt này, còn lễ bái làm gì?

Lượng trở về chùa nói với các đồ đệ:

– Ta tưởng mình giảng kinh luận không ai bì kịp, thế mà ngày nay bị Mã Tổ hỏi một câu, công phu từ trước tới nay đều tan như băng rã.

Nói xong, Lượng liền vào ẩn trong Tây Sơn, trọn không có tin tức. Trong niên hiệu Chính Hòa, có Hùng Tú tài vào núi Tây Sơn chơi, qua chùa Thúy Nham thăm Tư Phụ Trưởng lão. Ngài Tư Phụ cùng Hùng Tú tài vốn là người đồng hương, nên ngài cho hai lực sĩ cáng Hùng Tú tài đi thăm núi. Trải qua đám rừng dầy đặc che khuất, chợt thấy một vị tăng thần sắc phi phàm, dáng vẻ thanh cao, râu tóc trắng tợ tuyết, kết lá làm áo, ngồi trên tảng đá giống như tượng Phật Ðồ Trừng vẽ trên vách chùa, Hùng Tú tài trong lòng nghi dị nhân này, tự nghĩ: “Chỉ có Lượng Công ẩn ở núi này, e rằng là đây chăng?”. Liền lật đật đến hỏi:

– Ngài có phải là Lượng Công chăng?

Vị tăng ấy lấy tay chỉ về hướng Ðông, Hùng xoay đầu nhìn theo, quay lại thì thấy vị tăng đã biến mất. Lúc ấy có một trận mưa nhỏ, mưa vừa tạnh, Hùng rờ chỗ vị tăng ấy ngồi thì thấy đá vẫn còn ấm, Hùng trong lòng bồi hồi nói:

– Duyên xưa kém mỏng, gặp mà cũng như chẳng gặp!

(Theo: Hội Nguyên, quyển 3.)

[ Quay lại ]