headertvtc new


   Hôm nay Thứ tư, 24/04/2024 - Ngày 16 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

Sử 33 Vị Tổ Ấn Hoa

LỜI ĐẦU SÁCH

su3vito2

Đức Thế Tôn thị hiện ra đời đã trên 25 thế kỷ, là vị giáo chủ cõi Ta-bà, đấng toàn giác, toàn trí, toàn năng. Bằng ánh sáng tuệ giác vô biên, Thế Tôn đã đưa muôn vạn sinh linh ra khỏi vô minh tăm tối, dựng lại mọi đổ nát mê đồ. Từ đó, cõi nhân gian bừng sáng, kiếp phiêu linh kịp bước quay về. Nói cho cùng Ngài đã cứu sống muôn loài đang trầm nịch giữa mê tân khổ thống, mở ra một chân trời tịnh thanh, một cõi đi về an vui giải thoát.

Ngọn tâm đăng sáng mãi, thay Thế Tôn hoằng hóa độ sanh. Thượng tổ Ca-diếp, tôn giả A-nan… các ngài luôn có mặt, cùng nhau tiếp nối mạng mạch tâm tông, làm lợi ích khắp muôn sinh. Kế thừa Tổ đạo, chư vị tổ sư Mã Minh, Long Thọ khơi dậy, xương minh, tôn giả Đề-bà dẫn luận dẹp tan tà pháp, khiến Phật đạo hưng thịnh, mười phương hải hội cùng về.

Mặt trời Phật chiếu soi, Tổ Tổ tương thừa. Giọt máu vút cao như sữa trắng của tổ Sư Tử, minh chứng cho thân năm uẩn không thật thì sá gì nghiệp trả nghiệp. Chỉ làm sao đèn Phật sáng mãi, chúng nhân thiên lợi lạc không cùng. Hơn thế nữa, cõi Tây Thiên Phật đạo quang huy, trời Trung thổ thiền phong lan tỏa. Bồ-đề tổ sư sang Đông, đất bằng dậy sóng. Chín năm diện bích, một tráng sĩ chặt tay, để lại bài pháp an tâm vang rền chấn động. Mọi tăm tối như mớ bòng bong giờ xóa tan, không còn lý do vẩn vơ vọng đôïng nữa.

Dòng thiền tuôn chảy mãi tận Tào Khê Tân Châu. Nơi đây, rừng sâu núi thẳm xuất hiện một tiều phu cũng ngâm nga bản lai vô nhất vật. Chân trời thông thống mở toang, một cõi yên bình muôn thuở. Để từ đó năm tông bảy phái tiếp vãng khai lai, đời đời ngọn đèn Phật sáng soi, đưa chúng sanh đồng về Phật đạo.

Hôm nay đầy đủ duyên lành, tôi cùng chư huynh đệ trong tông môn ngẫm lại đoạn nhân duyên xuất thế độ sanh, từ đức Thế Tôn đến Thượng tổ Ca-diếp, Tổ Tổ kế thừa. Ấn Độ Trung Hoa, duy nhất một dòng truyền tỏa sáng Phật tâm tông, lợi lạc quần mê.

Tuy nhiên như vậy, tôi tự thẹn mình không lượng sức, dám lạm bàn Phật Tổ môn phong. Thật đáng trách! Song, trộm nghĩ thâm ân Phật Tổ, công đức của Ân sư nên gượng truyền đạt cho người sau cùng biết cùng tu, hoàn chỉnh nhân duyên thừa hành Phật đạo, viên mãn công đức. Một việc làm coi như tự múa rìu trước cửa Lỗ Bang. Xin được sám hối.

Có bao nhiêu công đức, hướng về pháp giới chúng sanh, nguyện kết duyên lành đồng thành Phật đạo.

Thiền viện Thường Chiếu, 01.01.2013
Kính ghi,
THÍCH NHẬT QUANG
 

ĐIẾU VĂN BAN QUẢN TRỊ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

 ĐIẾU VĂN
BAN QUẢN TRỊ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

httdp08Kính bạch Giác linh Hòa thượng thượng Đắc hạ Pháp,  Cố vấn Ban Quản trị Thiền phái Trúc Lâm, là Huynh trưởng trong môn hạ của Hòa thượng Ân sư.

Giờ này đối trước linh đài Hòa thượng Huynh trưởng, toàn thể chư Tăng Ni pháp lữ, pháp đệ thiền phái Trúc Lâm Yên Tử xin được thành kính dâng lên bậc Trưởng huynh  khúc dạ chí thành trước giờ cung tiễn chơn linh của Huynh trưởng tấn nhập bảo tháp, vui hưởng Niết-bàn.

Kính bạch Giác linh Hòa thượng,

Trước linh tiền toàn thể chư Tăng Ni huynh đệ xin phép được thay mặt Huynh trưởng ngưỡng vọng về Hòa thượng Ân sư thành tâm đảnh lễ cúng dường và sám hối Ân sư. Sự ra đi của Huynh trưởng tuy không quá đường đột với tuổi tác và bệnh duyên nhọc nhằn, nhưng lại sớm với lòng trông đợi của Thầy và chư huynh đệ trong tông môn, Ân sư và anh em từng phút từng giây mong đợi sức khỏe Huynh trưởng hồi phục. Bởi hơn bao giờ hết, lúc này tất cả huynh đệ chúng ta cần có mặt bên nhau để Ân sư yên lòng mà chóng vượt khỏi bệnh duyên.

Đại chúng vẫn còn nhớ cũng ngày mồng 7 tháng Chạp năm trước, tại Tổ đình Thường Chiếu, trong buổi họp truyền thống của Thiền phái Trúc Lâm, câu nói của Huynh trưởng thật bùi ngùi xúc động như sống lại trong lòng Tăng Ni tứ chúng “Tất cả chư huynh đệ có biết, chúng ta đã mồ côi phân nửa rồi đó. Nhìn thấy Hòa thượng Ân sư thọ bệnh,  tôi rất ưu tư, chư huynh đệ phải tu hành thế nào để  Hòa thượng được yên lòng, không phải lo lắng vì chúng ta”. Đạo tình Linh Sơn cốt nhục cao như núi, sâu như biển. Hòa thượng thật là bậc Huynh trưởng chí hiếu chí đạo đối với  Ân sư. Vậy mà hôm nay Ân sư vẫn còn đó, sao Huynh trưởng lại lặng lẽ ra đi! Những ngày sau cuối Huynh trưởng đã nắm tay sư đệ đinh ninh dặn dò: “Cố gắng lo cho Thầy thật chu toàn. Việc Tổ đình và tông môn cũng chớ quên. Sau cùng vẫn là nỗ lực tu hành.

Là đệ tử thiền môn, anh em hổ thẹn chẳng được thần tình bất động như ngài Thần Hội thuở nọ, mà cảm thấy  xúc động trào dâng trước tấm lòng và những lời di huấn tối hậu của Huynh trưởng, thấy nỗi trống vắng lớn lao khi Huynh trưởng thuận thế vô thường theo Phật mà bỏ lại chư huynh đệ vẫn một lòng ngưỡng vọng trông mong.

                            Nước chảy theo khe nào có ý,
                            Mây tuôn đỉnh núi vẫn vô tâm.

Song sự ra đi của Huynh trưởng dù như bóng trăng đáy nước, như cánh nhạn lưng trời, vẫn không sao tránh khỏi sự bùi ngùi, luyến tiếc cho Giáo hội, cho thiền phái Trúc Lâm, cho môn nhân pháp quyến, không chỉ ngày hôm nay mà mãi mãi về sau. Nghi dung đỉnh đạt, nội lực thâm hậu, hạo khí đường đường. Là bậc Huynh trưởng trong tông môn thân giáo khẩu giáo ý giáo trang nghiêm mẫu mực, nhưng lại sống đời giản dị, khiêm tốn, hiền hòa.

httdp06

Nhớ thuở trước, trên đảnh Tao Phùng, trong pháp hội của lão Hòa thượng Chân Không, huynh đệ pháp lữ chúng ta chung hưởng nguồn sữa pháp thiền tông, anh em ruột rà như nước hòa với sữa, sống hồn nhiên giữa rừng xanh núi thẳm. Để từ đó, giống mầm Phật tổ ngày càng tăng trưởng, dưới sự nuôi nấng bảo dưỡng của Ân sư, anh em chúng ta lớn lên từng ngày. Niềm vui có được từ công phu hành trì là nguồn động lực tiếp sức cho anh em chúng ta trên con đường tu học và Phật sự sau này. Vượt hơn hơn tất cả chư huynh đệ, nơi Huynh trưởng đọng lại nét sáng nhất vẫn là thần thái  thanh thản nhẹ nhàng, dù ở bất cứ nơi đâu hay gặp hoàn cảnh nào, lúc sinh tiền cũng như khi sắp sửa ra đi.

httdp05

Anh em không thể nào quên lời dạy của Huynh trưởng: “Tôi tu thiền, nên tổ chức tang lễ theo nghi thức thiền môn. Đơn giản, trang nghiêm. Tôi không thích rườm rà, chỉ nên tụng Bát-nhã và ngồi thiền mà thôi.” Huynh đệ chúng con xin lấy đây làm tấm gương sáng soi chung và nguyện sẽ vâng theo di huấn tối hậu của Hòa thượng Trưởng huynh.

Bằng tinh thần phụng sự đạo pháp, báo Phật ân đức, Hòa thượng đã hiện thân trên cõi đời 75 năm, hơn 50 năm cống hiến cho đạo pháp và nhân sinh. Là bậc long tượng trong  thiền môn, mô phạm chốn rừng thiền, Hòa thượng đã nỗ lực tu tập, trước sau như một là con cháu thiền phái Trúc Lâm, kế thừa đạo mạch Tổ tông. Tuy nhiên, Ngài vẫn đóng góp hòa hợp với Giáo hội. Với tư cách là bậc tôn đức lãnh đạo của Giáo hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long, Hòa thượng đã nối kết được Tăng già với xã hội, phụng sự đạo pháp và dân tộc, tốt đạo đẹp đời, mở Phật học trường, đào tạo Tăng Ni tài đức cho Giáo hội, dịch kinh viết sách. Là một thiền tăng chốn Không môn, Hòa thượng xứng đáng là hàng hậu bối truyền trì mạng mạch chánh pháp Như Lai, là vị trưởng tử đức hạnh và hiếu hạnh của Hòa thượng Ân sư, là bậc Huynh trưởng đạo cao đức trọng, thân giáo khẩu giáo kiêm ưu, đáng để toàn thể Tăng Ni pháp quyến noi theo.

Cuộc đời và sự nghiệp của Hòa thượng đã điểm lên trang sử Phật giáo Việt Nam cũng như Phật giáo tỉnh Vĩnh Long nói chung và thiền phái Trúc Lâm nói riêng một nét son rực rỡ, nhưng tất cả đối với Ngài cũng chỉ là Phật sự không hoa, đạo tràng thủy nguyệt. Cuối cùng chỉ còn lại một cõi Bát-nhã sắc sắc không không, đủ duyên thì ở, hết duyên đi, mặc tình tự tại tiêu dao, không thú lắm sao!

                                    Giữa cuộc buông tay lên Phật Tổ,
                                    Dọc ngang ba cõi mặc tình chơi.

Kính bạch Giác linh Hòa thượng,

Giờ đây, huynh đệ chúng con, hàng pháp tử môn hạ của Hòa thượng Ân sư, là pháp đệ pháp lữ của Ngài, xin khấu đầu đảnh lễ cung tiễn. Báo thân Huynh trưởng không còn hiện hữu trên cõi đời này, nhưng Pháp thân vẫn mãi mãi vĩnh hằng trong cõi vô cùng, công đức và đạo hạnh của Hòa thượng vẫn sống mãi trong lòng Tăng Ni tứ chúng thiền phái Trúc Lâm.

httdp04

Kính nguyện giác linh Hòa thượng vui miền tĩnh tại, thường nhớ chốn này, phát đại bi tâm trở lại cùng kết duyên tu hành, cho đến ngày viên thành Phật đạo. Chư huynh đệ thiền phái Trúc Lâm xin nguyện vâng theo di huấn của Hòa thượng chung vai gánh vác sự nghiệp thiền tông Việt Nam do Hòa thượng Ân sư khai sáng, một lòng phụng sự Thầy Tổ, nguyện nỗ lực tu hành và hóa độ chúng sanh như lời chư Phật chỉ dạy.

Cúi mong giác linh Hòa thượng Huynh trưởng từ bi chứng tri cho lòng thành của chúng con.

Nam mô Tân Viên Tịch Trúc Lâm Thiền Phái, Sơn Thắng Đường Thượng, Thái công Hòa thượng Thích Đắc Pháp chi Giác Linh.





 

Lễ cung tống kim quan và nhập bảo tháp cố trưởng lão HT. Thượng Đắc hạ Pháp

Sáng 22/1/2013 (nhằm ngày 11 tháng chạp Nhâm Thìn), tại TV Sơn Thắng, TP. Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long,  toàn thể môn đồ hiếu quyến cùng chư tôn giáo phẩm lãnh đạo giáo hội và đông đảo Phật tử trang nghiêm tổ chức Lễ cung tống kim quan và nhập bảo tháp cố trưởng lão HT. Thượng Đắc hạ Pháp.

Đến chứng minh và tham dự đại lễ tiễn biệt có sự hiện diện của HT. Thích Thiện Nhơn - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Trung ương GHPGVN, HT. Thích Giác Toàn – Phó chủ tịch HĐTS kiêm Phó Ban giáo dục Tăng Ni, HT. Thích Thiện Pháp – Phó tổng Thư ký kiêm chánh VPII TW GHPGVN, HT. Thích Phước Tú - Phó TT BTS tỉnh hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long, HT. Thích Như Tước – Phó Ban thường trực BTS tỉnh hội Phật giáo tỉnh Vĩnh Long cùng chư tôn đức Tăng Ni trong và ngoài tỉnh Vĩnh Long, Tăng Ni sinh tại các bản trường, Vĩnh Long, Học viện PG tại TP. HCM, các trường trung cấp, cao đẳng các nơi, tông môn pháp phái các hệ thống Thiền viện thuộc thiền phái Trúc Lâm.

Chương tình lễ cung tống kim quan và nhập bảo tháp như sau:

- Ban kinh sư tác lễ triệt linh sàng, chính thức di quan. Đại lễ cung tống kim quan được tổ chức trang nghiêm trong thể, dưới sự chứng minh, gia trì của chư tôn đức lãnh đạo giáo hội, dưới sự hộ niệm thiết tha của chư tôn đức Tăng Ni cùng quý Phật tử. Tiếng niệm Phật vang dài lung linh cả một góc trời Sơn Thắng, tạo nên khúc nhạc trầm hùng, ru lời ru tiễn biệt ngàn thu.

- Nghi lễ nhập bảo tháp được thực hiện theo nghi thức truyền thống Phật giáo. HT. Thích Phước Tú tuyên đọc cuộc đời và hành trạng cố HT. Thích Đắc Pháp, HT. Thích Thiện Nhơn tuyên đọc điếu văn của HĐTS TW GHPGVN, HT. Thích Như Tước cung tuyên điếu văn của BTSPG tỉnh Vĩnh Long. Đáp lại tấm chân tình mà chư tôn đức cùng quý Phật tử đã dành cho BTC, TT. Thích Trí Hải thay mặt môn đồ hiếu quyến đọc lời cảm tạ và dành những tình cảm sau cùng đối với ân sư, trước khi tiễn người về cõi Phật.

Biết rằng thân giả hợp này là vô thường huyễn hóa, nhưng mấy ai cầm lòng được trước những tấm chân tình mà thầy trò đã dành cho nhau. Trong giờ phút  vĩnh biệt này, nước mắt không thể không rơi, niềm thương nhớ không thể nào ngăn nỗi. Xin được một lần phủ phục tiễn biệt Thầy.

Theo Nhuận Bình (phatuvietnam.net)

 

CẢM NIỆM ÂN SƯ

BÀI CẢM NIỆM ÂN SƯ CỦA MÔN ĐỒ PHÁP QUYẾN
HÒA THƯỢNG ÂN SƯ THƯỢNG ĐẮC HẠ PHÁP
NAM MÔ PHẬT BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI

- Kính bạch Chư tôn đức giáo phẩm Hội Đồng Chứng Minh, Hội Đồng Trị Sự TW Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.
- Kính vọng về tổ đình Thiền Viện Thường Chiếu, thành kính đỉnh lễ Hòa Thượng Thượng Thanh Hạ Từ, tông chủ Thiền Phái Trúc Lâm.
- Kính bạch Chư tôn đức thường trực Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo Vĩnh Long.
- Kính bạch Chư tôn đức Tăng- ni Ban Quản trị Thiền Phái Trúc Lâm.
 -Kính bạch Chư tôn đức Tăng Ni hiện diện.
- Thưa quý vị lãnh đạo Đảng, Chính quyền Mặt trận, cơ quan ban ngành các cấp cùng toàn thể nhân dân và quý vị Phật tử.

Trong giờ phút trang nghiêm trọng thể, trước Giác linh Hòa Thượng Ân Sư, khói trầm tỏa ngát, môn đồ pháp quyến chúng con có duyên sự đầu thành đỉnh lễ, xin dâng lời tác bạch.

NAM MÔ PHẬT BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI

Đối trước Giác linh ân sư, quỳ dưới chân Chư tôn thiền đức Tăng Ni. Hàng môn đồ pháp quyến đệ tử chúng con khấu đầu phủ phục. Trước giờ phút kính tiễn kim quan của Hòa Thượng ân sư, chúng con thành tâm đỉnh lễ sám hối, kính xin Chư Tôn Đức thương xót cho phép chúng con dầng lên Giác linh Ân Sư đôi dòng cảm niệm.

 Kính bạch giác linh Thầy!

modophapquyen

Trong những ngày gần Xuân, giữa tiết trời mát mẻ, hạnh nguyện Thầy viên thông, cõi hồng trần đã hết, Thầy mãn duyên nhẹ bước, chốn Niết Bàn thảnh thơi, chúng con lại chơi vơi, giữa Ta Bà cõi tạm, trĩu nặng dòng lệ rơi.

Kính lạy Thầy! chúng con vẫn hiểu

                                            Các pháp từ duyên sinh
                                            Cũng do duyên mà diệt.
                                            Đức Phật Đại Sa Môn
                                            Thường dạy điều như thế.

Quả thật, vốn biết cuộc đời chỉ là sự biến chuyển không ngừng do các luật vô thường, khổ, không, vô ngã chi phối. Thế nhưng, chúng con lại quá đau lòng khi được tin Thầy đã mãi ra đi. Kinh Phật ngày đêm tụng đọc, giáo lý năm tháng học tu nhưng đến những lúc như thế này mới biết nào đâu đã “thấm tương chao”, chẳng nghe lời Thầy, không thuộc ý Phật…chúng con còn thơ dại lắm phải không thưa Thầy ơi.

Thầy đã mượn thân tứ đại giả hợp làm thuyền từ, để đưa mình, độ người vượt bến mê tân. Trước lúc biết mình sẽ đi xa, Thầy gọi chúng con mà nhắn nhủ. Tùy theo tính nết của từng người, Thầy ân cần dặn dò nhắc nhở mới thân thương làm sao.

Thầy ơi! Làm sao chúng con có thể quên được, hình bóng thầy với dáng vẻ khoan thai, với lòng từ bi không chỉ riêng với chúng con mà với tất cả muôn người. Thầy có khuôn mặt phúc hậu giống tựa như đức Phật, dù chỉ một lần được gặp không ai lại chẳng kính tin, nên hàng đệ tử luôn gọi Thầy bằng một cái tên rất đẹp: Ông Phật. Từ khi được làm đệ tử của thầy, huynh đệ chúng con luôn được sống đầm ấm trong tình thương vô hạn. Nếp sống của thầy là tấm gương chấp nhận và hy sinh, mà hết cả cuộc đời này cũng chưa chắc gì chúng con làm được.

Khi nghe tin Thầy lâm trọng bệnh và nằm điều trị trong viện. Chúng con biết Thầy phải trải qua những cơn đau cùng cực nơi thân thể, nhưng Thầy vẫn rất an nhiên. Sự thảnh thơi vững chãi của Thầy được thể hiện bằng chính những thái độ nhẹ nhàng, không buồn bã, lo lắng, thay vào đó trên nét mặt, ánh mắt, nụ cười, của Thầy vẫn thật an lành. Chúng con biết, Thầy giữ được tâm định tĩnh như vậy là nhờ có pháp môn tu tập. Thầy đã có niềm tin bất hoại nơi chánh pháp, nơi phương pháp tu Thiền mà Sư Ông Trúc Lâm là người đã trực tiếp giáo huấn chỉ dạy cho Thầy.

Thầy có một đức tính bao dung và hòa hợp thật hiếm có. Trong những năm giữ cương vị Trưởng Ban Tri Sự Phật giáo tỉnh nhà, việc Thầy làm được nhiều vô số kể, nhưng có lẽ Tăng Ni Phật tử trong tỉnh vẫn nhớ nhất là đức hạnh nhiếp chúng của Thầy. Thầy đã đưa Phật giáo cùng chung một mối, mọi người cùng chung một lòng để xây dựng và phát triển Phật giáo.

Và đặc biệt hơn nữa là lòng hiếu thảo của Thầy đối với Bậc Ân Sư của mình Hòa thượng Thích Thanh Từ, tông chủ Thiền phái Trúc Lâm. Mặc dù thân thường xuyên không khỏe nhưng chưa năm nào mà không dưới 2 lần Thầy đều lên tận Thiền Viện Trúc Lâm hay ra Tổ đình Thường chiếu để đảnh lễ  khánh tuế Sư Ông vào dịp mãn Hạ an cư và dịp Tết xuân về. Đây cũng là bài học cho hàng đệ tử chúng con noi theo.

Kính bạch Giác linh thầy!

Chúng con cũng biết, Thầy ra đi như thế này cũng là ý Thầy muốn. Khi biết bệnh của mình không thể khả thi hơn, Thầy đã thuận theo một cách tự nhiên mà không cần cưỡng cầu. Thấy đệ tử nào phải khuya sớm bên mình, chăm sóc vất vả, chạy ngược chạy xuôi, lo lắng cực khổ, mong Thầy mau khỏe, Thầy chẳng muốn phiền. Thế nhưng Thầy ơi, những lúc như thế, cực kỳ cao điểm, chúng con không thể bỏ Thầy một mình mà chịu đựng, chỉ cần nhìn thấy Thầy còn đó, bên chúng con, dù chỉ trong chốc lát, chúng con vẫn hết lòng. Ngẫm lại mới thấy, chẳng ai như Thầy, sợ phiền đệ tử. Chúng con đã phải, khóc lên thật nhiều, khi Thầy như thế.

Khi sư Thúc Thường Chiếu nói, trước kia ai cũng bảo Thầy phải sống đến 120. Nhưng vì biết thân mang trọng bệnh, sự ra đi sẽ sớm hơn lẽ thường tình. Thầy đã chuẩn bị cho huynh đệ chúng con chu đáo mọi việc. Lúc nào Thầy cũng dăn đi dặn lại: “Thầy đi rồi, các con đừng chia rẽ nhé. Hãy luôn yêu thương nhau như khi Thầy còn sống”.

Nhưng thầy ơi! Chúng con quặn thắt lòng đau. Dù bao năm nay thân mang trọng bệnh, nhưng không ngày nào thầy ngơi nghỉ thân tâm. Từ lo công việc chung của Giáo hội với nhiều trọng trách nặng nề đến việc tiếp tăng độ chúng tu học tại ngôi trường Trung Cấp Phật học tỉnh nhà mà Thầy dành hết tâm huyết lo toan. Rồi Vạn Cơ, Phước Lâm là hai ngôi Già Lam tại những vùng quê chưa có Phật pháp, nhưng nay đã trở thành chỗ tu học rất đông cho Phật tử quanh vùng của địa phương rồi Thầy ạ.

Đối với bản thân, Thầy chẳng nghĩ ngợi gì. Sống đơn giản làm sao. Con còn nhớ, khi Thầy bị bệnh khớp nặng, đi lại rất khó khăn, có Phật tử đã phát tâm đưa Thầy qua Singapo điều trị. Biết hết nhiều tiền, Thầy nói: “Thôi được rồi, Thầy không thích dùng đồ giả đâu, nếu có gì trục trặc lại khổ. Chân Thầy vẫn tốt, có thể xài được hết đời này. Nếu có tiền, cúng dường để Thầy nuôi chúng tu học”.

Rồi lại một lần khi Thầy chùa đã xuống cấp nhiều, có Phật tử muốn phát tâm xây cất toàn bộ lại theo thiết kế chung của các Thiền viện trong Tông môn, nhưng Thầy lại từ chối và nói: “Xung quanh đây, cuộc sống người dân còn vất vả lắm, nếu xây dựng đồ sộ như vậy, Thầy sợ không ai đến chùa nữa đâu. Công trình nào nếu quá xuống cấp thì sửa lại chút, còn không vẫn để đó mà sử dụng, chưa đến nỗi nào đâu…”. Ôi, thế mới biết lòng thầy thương, nghĩ về chúng con và mọi người thật vô tận biết chừng nào.

 Kính bạch Thầy, huynh đệ chúng con thật là diễm phúc khi được làm đệ tử của Thầy, và thời gian gần đây thầy trò được gần nhau luôn. Chúng con ở bên thầy đầy đủ không thiếu người nào. Tuy căn bệnh làm thân Thầy đau nhức lắm, thấy Thầy đau chúng con bật khóc, Thầy nói rằng: “chăm sóc người bệnh phải biết quán tưởng mà tu hành. Ai cũng phải trải qua những giai đoạn như thế này, có biết vậy mới nỗ lực tu tập để tự tại với nó”. Các con phải luôn nhớ, người xuất gia học đạo thì trước hết phải thấy được lỗi mình, nói lỗi mình, chớ nên thấy lỗi người và nói lỗi người kẻo mang tội nhiều chuyện”…

Kính bạch Thầy, trước Giác linh Thầy, huynh đệ chúng con xin hứa: “luôn nghe lời Thầy dặn, sẽ trên dưới thuận hòa, thương yêu nhau như ruột thịt, nâng đỡ và che chở cho nhau. Sống thật an lạc, hạnh phúc. Tiếp nối hạnh nguyện của Thầy, để trở thành những người đệ tử ngoan của Thầy, luôn cố gắng tu tập, làm Phật sự cho đạo pháp, xứng đáng là con cháu Thiền gia”.

Chúng con biết, những tháng ngày còn lại không có Thầy ở bên là vô cùng khó khăn, nhưng xin Thầy hãy yên lòng an nghỉ vì huynh đệ chúng con còn có Chư tôn Đức trong Ban Trị Sự, cùng quý sư thúc - bá trong Thiền Phái của mình sẽ luôn chỉ dạy và yểm trợ cho chúng con. Và nhất là trí tuệ - bản nguyện và tình thương của Thầy luôn hiện hữu trong mỗi chúng con. Làm ánh đuốc sáng soi đường, làm kim chỉ nam dẫn lối. Chúng con kính xin Thầy ở cõi Niết Bàn, luôn gia hộ và che chở cho đệ tử chúng con!

Đệ tử chúng con Thành kính đỉnh lễ bái biệt thầy!

modophapquyen2

Nam Mô Thiền Phái Trúc Lâm, Sơn Thắng đường thượng, Ma Ha Tỷ kheo Bồ Tát giới Thượng Đắc Hạ Pháp, giác linh Hòa Thượng Tôn Sư thiền tọa hạ, tác đại chứng minh .

Kính bạch Chư Tôn Thiền Đức, Kính thưa toàn thể Đạo tràng, trước sự mất mát lớn lao nầy, chúng con được Quý Ngài thương tưởng về chốn Trụ Xứ chứng minh, chỉ đạo công việc, niêm hương bạch Phật chú nguyện hộ niệm cho Giác Linh Tôn Sư chúng con. Với ân đức cao dầy ấy, chúng con không biết lấy gì đền đáp xin thành tâm đê đầu đỉnh lễ Quý Ngài. Ngưỡng mong Chư Tôn Đức từ bi chứng giám. Trong công việc đón tiếp không sao tránh khỏi sơ thất trong tứ uy nghi, Chúng con thành tâm đê đầu đỉnh lễ sám hối.

 Chúng tôi xin cảm ơn các ban ngành, đoàn thể, các cấp chính quyền, bà con nhân dân và Phật tử xa gần đã bớt chút thời gian, về phúng viếng và tận tình giúp đỡ môn đồ pháp quyến, thân quyến chúng tôi. Đồng thời chúng tôi cũng xin cảm ơn các quý vị phóng viên báo đài đã đến dự và đưa tin lễ tang . Trong quá trình tổ chức tang lễ không tránh khỏi những sơ suất, kính mong quý liệt vị niệm tình hoan hỷ.

NAM MÔ HOAN HỶ TẠNG BỒ TÁT
MA HA TÁT TÁC ĐẠI CHỨNG MINH!

 Pháp tử pháp tôn chúng con đồng kính bái
 

Đêm cuối bên Thầy

Đêm cuối (21/1/2013), đêm tiễn biệt Hòa thượng Sơn Thắng, bầu trời Vĩnh Long như buồn tha thiết, tiễn người đi hoa cỏ chợt xao lòng. Thế là đêm cuối cùng cũng đã diễn ra, dù không muốn, ngàn vạn lần không muốn, nhưng làm sao để níu nỗi được thời gian!

Để có được những phút giây ấm nồng nhất trước lúc tiễn biệt Thầy, hàng môn nhân hiếu quyến đã tề tựu đông đủ về bên giác linh Thầy, làm những công việc mà bất kỳ người hiếu tử nào cũng đều phải thực hiện. Đó là cung thỉnh chư tôn đức giáo phẩm trợ tiến giác linh lễ Yết tổ và Bố tát. Điều đáng nói ở đây là sự hiện diện đông đủ của chư tôn đức giáo phẩm trợ tiến giác linh, thể hiện tình linh sơn thắm thiết.

Lễ Bố tát được diễn ra trong sự hòa hợp, hoan hỷ, để rồi toàn môn nhân hiếu quyến đã có một đêm sống trọn vẹn bên tình đồng đạo nghĩa thầy trò. Sự họp mặt đông đủ của các Tăng Ni sinh từ khóa I đến khóa VI trong đêm “tri ân Thầy”, làm cho không gian tang lễ ngập tràn tình yêu thương, ấm cúng. Giọt nước mắt nào đó đã rớt rơi ở khóe mi, tiếc nuối cho một bậc thầy khả kính, một ông lái đò tận tụy suốt đời vì đàn hậu học mai sau. Từng bài điếu văn của từng khóa được cất lên, như một lần nữa nhắc đến ân tình mà Thầy đã dành cả cuộc đời để chỉ dạy, yêu thương.

Hạnh phúc cho hàng môn đệ hơn nữa, cũng trong đêm tiễn biệt, toàn thể ban quản trị Thiền Phái Trúc Lâm và hàng môn hạ trong tông môn từ khắp nơi đã huân tập đông đủ về Thiền viện Sơn Thắng để chia sẽ và tiễn biệt.  Đại diện ban quản trị đã có bài điếu văn cảm động, cùng những lời dặn dò thấm tình đạo vị.

Đêm cuối được ở cạnh Thầy, đêm cuối cùng bên kim quan với nhục thân của Thầy đang hiện hữu, sẽ trân trọng những phút giây ngắn ngủi này.

Theo Nhuận Bình (phatuvietnam.net)