headertvtc new


   Hôm nay Thứ bảy, 20/04/2024 - Ngày 12 Tháng 3 Năm Giáp Thìn - PL 2565 “Tinh cần giữa phóng dật, Tỉnh thức giữa quần mê, Người trí như ngựa phi, Bỏ sau con ngựa hèn”. - (Pháp cú kệ 29, HT.Thích Minh Châu dịch)
tvtc2  Mongxuan
 Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam Thế Kỷ 20-21

TẠI SAO TÔI TU THIỀN - Thiền Thất Thường Lạc

TẠI SAO TÔI TU THIỀN ?

Trích từ tập BA VẤN ĐỀ TRỌNG ĐẠI TRONG ĐỜI TU CỦA TÔI

HT Thiền sư THÍCH THANH TỪ [bản dịch]


Sau khi xuất gia tôi được học sử Phật và Kinh, Luận, thấy rõ Thái Tử Tất Đạt Đa (Siddhārtha) xuất gia tu thiền được giác ngộ thành Phật. Các Kinh, Luận hầu hết đều dạy tu thiền, tại sao Sư Ông và Thầy tôi dạy tu Tịnh Độ? Đây là một nghi vấn khiến tôi phải suy nghĩ nhiều. Lần lượt học thêm Kinh, Luận tôi hiểu rõ hơn lời Phật, Tổ dạy, pháp tu thiền đã đủ sức thuyết phục tôi. Khi trong Tăng sĩ Việt Nam, đại đa số tu Tịnh độ, tại sao riêng tôi chọn pháp tu thiền? Hẳn phải có lý do thôi thúc tôi.

I. LÝ DO

1.1 Đức Phật

Thái Tử Tất Đạt Đa sau khi vượt thành xuất gia, trước đến học đạo với ông Uất Đà Ca La La (Alāra kālāma), dạy ông pháp tu Tứ thiền: Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền. Thái Tử tu một thời gian chứng được Tứ Thiền. Ngài kiểm nghiệm lại thấy chưa đúng mục đích đã nhắm, nên từ giả ông đi nơi khác. Đến ông Uất Đầu Lam Phất (Uddara Ramaputta) học đạo, ông dạy Ngài tu pháp Tứ vô biên xứ định: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Ngài tu một thời gian chứng được Phi tưởng phi phi tưởng xứ định, kiểm tra lại cũng thấy chưa đúng mục đích, lại một lần nữa ra đi.

Cuối cùng Ngài đến dưới cội Bồ Đề (Boddhi) ngồi thiền định bốn chín ngày đêm, đến đêm bốn mươi chín được giác ngộ thành Phật. Từ lúc đi tu cho đến thành Phật, Ngài do tu thiền định được kết quả. Vị giáo chủ đạo Phật trọn đời tu thiền, chúng ta ngày nay tu theo đạo Phật mà không tu thiền có trái với tông chỉ của Ngài không? Mặc dù khi đi giáo hóa Ngài có dạy nhiều pháp môn, song pháp tu thiền vẫn là căn bản.

1.2 Thánh Tăng

Chư vị A La Hán được Phật trực tiếp dạy trong lúc đương thời đều tu thiền mà chứng được Tứ quả Thanh Văn: Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán. Đệ tử Phật cũng do tu thiền được thành Thánh quả. Ngày nay chúng ta tu muốn tiến lên Thánh quả, mà từ chối tu thiền có thể đạt được chăng?

1.3 Chư Tổ

Từ Tổ Ca Diếp đến Tổ Huệ Năng cả thảy ba mươi ba vị Tổ Ấn Độ, Trung Hoa rõ ràng các Ngài do tu thiền ngộ đạo và truyền bá thiền nên thành Tổ. Cho đến ở Việt Nam chúng ta từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ mười tám, chư vị Tổ sư Bắc, Trung, Nam đều tu thiền, truyền thiền nên kế thừa làm Tổ. Chúng ta hiện nay phủ nhận tu thiền có phạm tội với các Ngài không?

Tôi quyết tâm tu thiền là noi gương đức Phật, các bậc Thánh Tăng, chư Tổ Ấn độ, Trung Hoa, Việt Nam với lòng cung kính trung thành của mình. Các Ngài đã tiếp tục truyền bá Phật pháp trên hai ngàn năm không đoạn dứt bằng phương pháp tu thiền, kẻ sơ cơ hậu học như tôi làm sao không nương theo con đường đó để tu hành và truyền bá. Tôi tin chắc con đường đang đi đang truyền của tôi hoàn toàn không trái bản ý Phật và Tổ. Song sự tu thiền và truyền thiền trên đất nước Việt Nam hiện nay, tôi thật cô đơn. Tuy vậy, tôi vẫn hy vọng sẽ có những người sau thông cảm, tiếp tục việc làm dở dang của tôi.

II. MỤC ĐÍCH

2.1 Nguyên Nhân Thái Tử Tất Đạt Đa Đi Tu

Lần đầu tiên được tiếp xúc với các tầng lớp dân chúng, Thái tử cảm nhận được nỗi khổ đau qua cảnh sanh, già, bệnh, chết của con người khiến lòng Ngài quặn đau se thắt. Bao nhiêu nghi vấn về thân phận con người dồn dập ùa đến với Ngài. Trước khi có mặt ở đây, ta là cái gì? Sau khi chết, ta còn hay mất? Làm sao tránh khỏi sự tiếp tục sanh tử? Đó là ba vấn đề nổi bật luôn xuất hiện phủ kín tâm tư Ngài. Từ đây lòng Ngài mãi trăn trở ưu tư, mọi sự sang cả xa hoa lầu son gác tía đều trơ trẽn không có giá trị gì. Ngài âu sầu buồn bã biếng nói lười ăn, vợ đẹp con xinh không làm Ngài khuây khỏa. Ba nghi vấn trên như làm nghẹn cổ Ngài, chưa giải quyết được Ngài không thể nào an ổn. Ngài quyết định trốn đi xuất gia, để lại Phụ vương, Mẫu hoàng, vợ, con, muôn dân và giang sơn ngôi vị. Ngài chỉ một mình một bóng lang thang trong rừng tầm sư học đạo. Đầu tiên Ngài đến ông A La La dạy tu pháp Tứ thiền, nghĩa là Sơ Thiền lìa ngũ dục được hỷ lạc (ly sanh hỷ lạc), Nhị thiền được định sanh hỷ lạc (định sanh hỷ lạc), Tam thiền được lìa hỷ sanh diệu lạc (ly hỷ diệu lạc), Tứ thiền bỏ niệm được thanh tịnh (xả niệm thanh tịnh).

Thái tử tu một thời gian liền chứng được Tứ thiền, xét lại kết quả chưa giải đáp được ba nghi vấn ôm ấp đã lâu, Ngài đành từ giã ông thầy đi tìm nơi khác. Đến ông Uất Đầu Lam Phất được dạy tu pháp Tứ vô biên xứ định, nghĩa là Không vô biên xứ định, Thức vô biên xứ định, Vô sở hữu xứ định, Phi tưởng phi phi tưởng xứ định. Thái tử hạ thủ công phu một thời gian đạt được định cao tột là Phi tưởng phi phi tưởng xứ định.

Tra cứu lại, Ngài thấy vẫn chưa giải quyết được ba nghi vấn đang nặng trĩu trong lòng, đành từ giã ông thầy ra đi nơi khác. Chán nản, Ngài nghĩ chỉ còn cách tu khổ hạnh triệt để thử xem kết quả thế nào. Ngài quyết chí tu khổ hạnh, cho đến thân thể kiệt quệ ngất xỉu. Qua kinh nghiệm này, Ngài thấy rõ khổ hạnh chỉ khiến thân thể bại hoại chớ không được kết quả gì. Từ đây Ngài sống trung hòa ngày ăn một bữa, đi khất thực và tọa thiền bình thường. Đến cội Bồ Đề, Ngài thấy nơi đây thật lý tưởng cho sự tọa thiền, đi tìm cỏ khô trải tòa ngồi xong, chỉ cây Bồ Đề thề rằng: “Tọa thiền nơi đây mà không thành đạo, dù xương tan thịt nát ta cũng không rời khỏi chỗ ngồi này”.

2.2 Kết Quả

Ngồi thiền dưới cội Bồ Đề suốt bốn mươi chín ngày đêm, đêm thứ bốn mươi chín trước tiên Ngài chứng được Túc mạng minh, nghĩa là Ngài nhớ vô số kiếp về trước, đã từng sanh ở đâu, cha mẹ tên gì, làm nghề nghiệp gì... như nhớ sự việc mới xảy ra hôm qua. Ngài giải quyết được nghi vấn thứ nhất: “Trước khi có thân này, ta là gì?”. Bộ kinh bản sanh hiện còn trong Đại Tạng Pali và Hán do Phật kể lại những kiếp trước của Ngài.

Kế đến, Ngài chứng được Thiên nhãn minh cũng gọi là Sanh tử trí, nghĩa là Ngài thấy rõ con người sau khi chết theo nghiệp lành dữ đi thọ sanh trong sáu đường (địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, người, A tu la, cõi Trời) như người mắt sáng đứng trên lầu cao nhìn xuống ngã tư đường thấy kẻ qua người lại rõ ràng. Ngài giải quyết được nghi vấn thứ hai: “Sau khi chết ta còn hay mất?”. Quyển Kinh Thập Thiện Nghiệp Đạo... Phật giải rõ điều này.

Đến canh năm khi sao Mai vừa mọc, Ngài chứng được Lậu tận minh, nghĩa là thấy rõ nguyên nhân nào đưa đến sanh tử, nguyên nhân gì dứt sạch sanh tử. Ngài giải quyết được nghi vấn thứ ba: “Làm sao tránh khỏi sự tiếp tục sanh tử?”. Đến đây như trút được gánh nặng, Ngài tuyên bố: “Ta hoàn toàn giác ngộ thành Phật”. Bài pháp đầu tiên dạy năm anh em ông Kiều Trần Như tại vườn Lộc Uyển là pháp Tứ đế. Nghĩa là Phật chỉ rõ nguyên nhân sanh tử là Tập đế, dẫn đến kết quả sanh, già, bệnh, chết là Khổ đế, nguyên nhân giải thoát là Đạo đế, dẫn đến kết quả giải thoát là Diệt đế. Đây là lẽ thật là chân lý rất mầu nhiệm không khi nào sai chạy gọi là Tứ Diệu Đế. Đến đây Ngài kết quả viên mãn trên đường tu hành được hiệu là Phật Thích Ca Mâu Ni.

III. PHƯƠNG PHÁP TU

3.1 Thiền Nguyên Thủy

Đây là những pháp tu thiền từ các kinh A Hàm do Phật dạy:

3.1.1 Pháp Quán Tứ Niệm Xứ:

Tứ niệm xứ là bốn nơi chú tâm quán sát:
a) Quán thân bất tịnh: Quán sát thân này ô uế nhớp nhúa, bằng hai lối:
▪ Quán sát trong thân có ba mươi sáu vật nhơ nhớp như tóc, lông, răng, da, thịt, gân, xương, đàm, dãi, máu, mũ, mồ hôi, nước tiểu... Đều là nhơ nhớp đáng nhờm gớm.
▪ Quán sát thây chết từ khi thân mới chết bầm xanh, dần dần sình chương, kế nứt nẻ, bại hoại... thật là hôi hám đáng gớm. Pháp quán này để trị bệnh tham ái thân.
b) Quán thọ thị khổ: Quán sát mọi cảm thọ đều là khổ, dù rằng trong kinh Phật dạy có ba thứ thọ là thọ khổ, thọ lạc, thọ không khổ không lạc, song tất cả thọ ấy đều là vô thường nên gọi là khổ. Pháp quán này để trị bệnh đam mê cảm thọ.
c) Quán tâm vô thường: Quán sát tâm thiện, tâm ác của ta đều là tướng sanh diệt vô thường không có thật thể. Tất cả loại tâm sở tướng nó chợt có chợt không, chợt còn, chợt mất thì làm gì có thật mà chấp là tâm mình. Pháp quán này để trị bệnh chấp tâm sở là thật ta.
d) Quán pháp vô ngã: Quán sát tất cả cả pháp tứ đại, ngũ uẩn, lục căn, lục trần… đều do nhân duyên hòa hợp không có chủ thể là vô ngã. Pháp quán này để trị bệnh chấp các pháp là thật có chủ thể.

3.1.2 Pháp Quán Ngũ Đình Tâm:
a) Quán Thân bất tịnh để dừng tham dục.
b) Quán Từ bi để dừng tâm sân hận.
c) Quán Duyên khởi để dừng tâm si mê.
d) Quán Giới phân biệt để dừng tâm chấp ngã.
e) Quán Sổ tức để dừng tâm tán loạn.

3.2 Thiền Đại Thừa:

Đây là những pháp tu thiền phát xuất từ Kinh, Luận Đại Thừa.

3.2.1 Pháp Tam Quán Của Kinh Viên Giác:

a) Xa ma tha (Samatha) Trung Hoa dịch là ý, là Chỉ, tức là dừng lặng. Kinh nói: “Người muốn cầu Viên Giác lấy tâm tịnh giác giữ lặng lẽ làm hạnh, đối cảnh nhiễm tịnh tâm không vọng duyên...”.

b) Tam ma bát đề (Samāpatti) Trung Hoa dịch ý là Đẳng Chí (Quán), nghĩa là xa lìa hôn trầm trạo cử gọi là Đẳng, khiến tâm bình đẳng an hòa là Chí. Kinh nói: “Người muốn cầu Viên Giác, lấy tâm tịnh giác hiểu biết tâm tánh căn trần đều do huyễn hóa mà có, liền khởi quán huyễn tu trừ các huyễn...”

c) Thiền na (Dhyāna) Trung Hoa dịch ý là Tỉnh lự. Tỉnh tức là Định, Lự tức là Huệ. Kinh nói: “Người muốn cầu Viên giác lấy tâm tịnh giác chẳng chấp huyễn hóa và các tướng lặng lẽ, liền hay tùy thuận cảnh giới tịch diệt”.

3.2.2 Pháp Tam Quán Của Tông Thiên Thai:

Ngài Trí Giả Đại sư ở núi Thiên Thai căn cứ Kinh Bồ Tát Anh Lạc Bản Nghiệp, phẩm Hiền Thánh Học Quán có nói: “Từ Giả nhập Không nhị đế quán. Từ Không nhập Giả bình đẳng quán. Trung đạo đệ nhất nghĩa đế quán”, lập thành pháp Nhất Tâm Tam Quán:

a. Không quán là lìa tánh lìa tướng quán tâm một niệm chẳng ở trong, chẳng ở ngoài, chẳng ở chặng giữa gọi là không.
b. Giả quán là không pháp nào chẳng đủ, quán tâm một niệm đầy đủ tất cả pháp gọi là Giả.
c. Trung quán là dứt sạch hai bên đối đãi, quán tâm một niệm chẳng phải không, chẳng phải giả gọi là Trung.

3.3 Thiền Tông

Trên hội Linh Sơn, đức Phật đưa cành hoa sen nhìn đại chúng, đến Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp (Maha Kasyapa) liền mỉm cười, Phật thọ ký: “Ta có chánh pháp nhãn tạng, niết bàn diệu tâm, pháp môn mầu nhiệm, chẳng lập văn tự, ngoài giáo truyền riêng, nay giao phó cho ông...”.

Đến vị Tổ thứ hai mươi tám ở Ấn Độ là Bồ Đề Đạt Ma (Bodhidharma) sang Trung Hoa tuyên bố: “Bất lập văn tự, giáo ngoại biệt truyền, trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật”.

Đây là tông chỉ của Thiền tông, các Tổ thứ lớp truyền nhau, ta sẽ thấy rõ vài hình ảnh tiêu biểu sau đây:

● Ngài Huệ Khả sau khi được Tổ Bồ Đề Đạt Ma chấp nhận cho làm đệ tử, Huệ Khả hỏi: Tâm con không an, xin Hòa Thượng dạy pháp an tâm.

Tổ nhìn thẳng bảo:

-Đem tâm ra ta an cho.

Huệ Khả xoay tìm lại tâm mình, không thấy bóng dáng thưa:

-Con tìm tâm không được.

Tổ bảo:

-Ta an tâm cho ngươi rồi.

Huệ Khả liền biết lối vào, sụp xuống lạy.

Tìm lại tâm mình là giáo lý gì? Quả là trực chỉ nhân tâm.

● Ông Sa Di Đạo Tín trên đường đi gặp Tổ Tăng Xán, liền thưa:

-Xin Hòa Thượng dạy con pháp môn giải thoát.

Tổ trố mắt nhìn bảo:

-Ai trói buộc ngươi?

Đạo Tín thưa:

-Không ai trói buộc.

Tổ bảo:

-Cầu giải thoát làm gì?

Đạo Tín tỉnh ngộ sụp xuống lạy.

Thật là lối giáo hóa không hai, chẳng có phương pháp gì, chỉ thẳng tâm người, nên gọi là thiền Trực chỉ. Sau này Thiền sư Đức Sơn cũng nói: “Tông ta không ngữ cú, không một pháp cho người”.

Lối dạy này đòi hỏi người thầy phải có thủ thuật cao, người trò phải có tâm nhạy bén thì kết quả rất nhanh, nên gọi là Thiền Đốn Ngộ. Thoạt nhìn chúng ta thấy dường như không dính dáng gì với kinh điển Phật dạy, nhưng thâm nhập được chúng ta mới thấy là cốt tủy của Đạo Phật. Ngót bốn mươi chín năm đức Phật giáo hóa chủ yếu hướng dẫn người đạt đến giải thoát sanh tử. Cái gì giải thoát, chính là “Bản lai diện mục” của chúng ta. Nếu không có nó thì ai giải thoát và giải thoát cái gì?

Làm sao biết “Bản Lai Diện Mục” của mình? Tổ Huệ Năng sau khi được y bát mang về Thiều Châu, trên đường bị Đạo Minh đuổi theo giựt lại. Không giựt được, Đạo Minh đổi ý xin cầu pháp. Huệ Năng bảo hãy bình tỉnh lại, rồi nói: “Không nghĩ thiện không nghĩ ác, cái gì là Bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh? Đạo Minh bừng tỉnh, sụp xuống lạy. Đây là bài pháp đầu tiên của Lục Tổ Huệ Năng, nói thẳng cái mình đang ôm ấp.

3.4 Nhận Định

Các pháp thiền nêu ra ở trên, chỉ đơn cử làm tiêu biểu, không phải toàn bộ chỉ có bấy nhiêu. Mỗi pháp tôi chỉ trình bày tổng quát, không có ý giải thích rành rẽ từng pháp để tu. Mục đích chúng tôi muốn dẫn ra để chứng minh, về phần tu tập xin nhường các vị chuyên môn.

Thiền Nguyên Thủy là thiền đối trị, chúng sanh mắc bệnh gì, Phật dùng thuốc ấy để trị liệu, nên nói: “Theo bệnh cho thuốc”. Lối tu này rất thực tế và rất dễ hành, không nói cái gì xa xôi huyền bí, chỉ mặt đối mặt chiến đấu, như tướng quân ra trận đối mặt với kẻ thù quyết chiến. Thắng hay bại do người chiến sĩ có hạ quyết tâm liều chết và sáng suốt biết rõ chỗ ẩn nấp của kẻ thù hay không. Tu đến đâu ta thấy kết quả đến đó, không phải chờ quyết định ở bên ngoài. Như chiến sĩ đuổi giặc chạy đến đâu biết mình thắng đến đó, không còn gì nghi ngại đợi hỏi thăm ai. Kinh nói: “Ta có tham sân si biết ta có tham sân si, ta không tham sân si biết ta không tham sân si”.

Thiền Đại Thừa vượt ra khỏi đối đãi không còn hai bên, thênh thang như trời cao biển rộng, không dính kẹt một chỗ nơi nào. Thấy rõ cái hư ảo của con người, sự huyễn hóa của muôn vật, còn thấy một pháp thật, là còn vô minh, có bên này còn bên kia là đối đãi hạn chế, tức còn sanh tử.

Mênh mông như trời biển chẳng sanh chẳng diệt, có nói giải thoát cũng bằng thừa. Người mới bước chân vào đạo thấy lối tu này choáng ngợp như đứng dưới đất nhìn lên đỉnh núi cao. Song nếu ta can đảm xông lên có ngày sẽ đến đỉnh, đứng nơi này ta nhìn khắp muôn phương, đón ngọn gió lành từ đại dương thổi về mát rượi. Không còn thấy thân ta bé bỏng, không còn cái nhìn hạn chế do núi sông.
Thiền Tông là đi đường chim, là qua cầu một cây không tay vịn, người nhút nhát e dè thì không thể nào dám cất bước. Đòi hỏi người gan dạ cùng mình xem chết sống như lông hồng, mới dám ghé mắt vào lối này. Nhưng càng bí hiểm càng hiển bày, càng huyền nhiệm càng chân thật, càng kỳ bí càng giản đơn, càng xa xôi càng gần gủi. Hỏi: “Đạo ở đâu? Đáp: “Dưới gót chân ông”. Hỏi: “Thế nào là kho báu nhà mình?” Đáp: “Cái ông hỏi ta đó”. Một tiếng hét, một cây gậy, một chớp mắt, một nhướng mày, một tiếng vang, một đóm lửa... đều bày hiện chủ nhân ông. Lâm Tế nói: “Phật pháp của Hoàng Bá rất ít”. Chỉ ta đừng chấp bóng quên đầu, đừng bỏ tiếng theo vang, chỉ cần nhìn thẳng sẽ thấy lối vào của Huệ Khả, tỉnh ngộ không ai trói buộc của Đạo Tín.

Tôi là người Việt Nam tu theo đạo Phật, Thiền tông đã đóng vai chủ đạo truyền bá Phật giáo trên đất nước Việt Nam hơn mười thế kỷ (từ thế kỷ thứ bảy đến thế kỷ thứ mười chín), làm sao trong huyết thống tôi không có dòng máu Thiền tông và làm sao tôi không ngưỡng mộ Thiền tông. Mặc dù các pháp thiền trên tôi rất kính quý, song không làm gì khác hơn, tôi bản chất người Việt Nam.

IV. CHÚNG TA QUÊN MẤT MÌNH

4.1 Sáu Căn Chạy Theo Sáu Trần

Hằng ngày chúng ta thả lỏng sáu căn chạy theo sáu trần, mắt dính sắc, tai kẹt tiếng, mũi theo mùi, lưỡi ưa vị, thân thích xúc, ý đeo pháp. Đáp ứng đòi hỏi của sáu căn, chúng ta phải bon chen giành giựt để được thụ hưởng. Sáu căn lại là cái thùng lủng đáy, chừng nào chúng ta đổ đầy cho nó thỏa mãn. Nghĩ làm thỏa mãn sáu căn, khác nào nghĩ mò trăng đáy giếng. Đuổi theo sáu trần thu thập được nhiều chừng nào, chúng ta càng “quên mất mình” nhiều chừng ấy. Ngọn đèn pha chiếu sáng mặt trước nhiều thì mặt sau phải tối.

Trong hội giảng Kinh Lăng Nghiêm, đức Phật đưa tay lên hỏi Tôn Giả A Nan:

-Thấy không?

Tôn Giả đáp:

-Thấy.

Phật để tay xuống hỏi:

-Thấy không?

Tôn Giả đáp:

-Không.

Phật quở:

-Ông quên mình theo vật.

Phật bảo Tôn Giả La Hầu La đánh tiếng chuông và hỏi A Nan:

-Nghe không?

A Nan đáp:

-Nghe.

Khi tiếng chuông bặt, Phật hỏi:

-Nghe không?

A Nan đáp:

-Không nghe.

Phật quở:

-Ông quên mình theo vật.

Tay Phật là vật bên ngoài đối tượng của tánh thấy A Nan, tay đưa lên thả xuống là đối tượng có, không. Còn tánh thấy của A Nan có lúc nào vắng mặt. Tôn Giả A Nan đáp có thấy khi đưa tay lên, không thấy khi để tay xuống, không phải quên mình theo vật là gì? Tiêng chuông là đối tượng tánh nghe, có tiếng chuông, vắng tiếng chuông là thanh trần có và không, tánh nghe đâu có lúc nào thiếu vắng. Có tiếng chuông đáp có nghe, không tiếng chuông đáp không nghe, đúng là quên mình theo vật. Sắc, Thanh ...là vật bên ngoài, thấy nghe …chính là ta, quên ta chạy theo bên ngoài thật là lầm lẫn đáng thương.

Mã Tổ cùng Thị giả Hoài Hải đi dạo vườn, thấy bầy vịt trời bay trên hư không. Mã Tổ hỏi:

-Cái gì?

Hoài Hải đáp:

-Bầy vịt trời.

Vài phút sau, Mã Tổ hỏi:

-Bay đi đâu?

Hoài Hải đáp:

-Bay qua mất rồi.

Mã Tổ nắm lỗ mũi Hoài Hải vặn mạnh một cái. Hoài Hải la thất thanh. Mã Tổ bảo:

-Sau không nói bay qua mất đi?

Hoài Hải bừng ngộ. Sau này khi tiếp thiền khách, Thiền sư Hoài Hải thường đưa cây phất tử lên hỏi:

-Cái gì?

Thiền sư Cảnh Thanh, thời nhà Tống, ngồi trong thất, thị giả đứng hầu, thấy trên nền nhà có vệt trắng, chỉ hỏi:

-Cái gì?

Thị giả đáp:

-Vệt trắng.

Thiền sư bảo:

-Chúng sanh quên mình theo vật.

Hôm khác đang ngồi nghe tiếng rắn bắt nhái kêu, Thiền sư hỏi:

-Tiếng gì?

Thị giả đáp:

-Tiếng rắn bắt nhái kêu.

Thiền sư bảo:

-Chúng sanh khổ lại khổ chúng sanh.

Qua hai câu chuyện trên càng làm sáng tỏ ý nghĩa “Quên mình theo vật”. Bầy vịt trời bay qua mất, cái thấy bầy vịt trời có mất bao giờ. Khi nhận ra cái thật mình liền ngộ đạo. Tiếng nhái kêu khi bị rắn bắt, Thiền sư Cảnh Thanh đã nghe, sao lại hỏi thị giả. Thị giả thật thà đáp rắn bắt nhái kêu, bị Thiền sư bảo chúng sanh khổ lại khổ chúng sanh. Nhái bị rắn bắt kêu cứu là chúng sanh khổ, chỉ biết tiếng kêu của nhái mà quên cái hay nghe của mình là khổ chúng sanh. Đuổi theo chấp chặt sáu trần mà quên mất mình la trói buộc mình thả trôi trên dòng sanh tử. Người ta luôn nói lo cho mình, mà thật đã quên mất mình.

4.2 Chấp Thân Tâm Là Thật Ta

Hầu hết chúng ta đều chấp nhận hình thể vật chất này là thân ta, tâm suy nghĩ lăng xăng là tâm ta. Cần tra cứu xem có đúng như vậy không?

Thân ta về vật chất Phật nói do tứ đại hòa hợp thành, chất cứng là đất, chất ướt là nước, chất ấm là lửa, chất động là gió. Bốn chất nếu thiếu một là thân tử vong. Bốn chất này gọi là tứ đại, cần phải nhờ mượn ngoại tứ đại liên tục bồi bổ thân mới được an ổn tồn tại. Sự nhờ mượn này qua ăn uống, hít thở thường xuyên, nếu có gì làm trở ngại gián đoạn thân sanh bệnh hoạn có thể đến bại hoại. Cần xét tinh tế chi li hơn, hiện nay ngành y học đã thấy thân này do rất nhiều tế bào tụ hội hợp thành. Tế bào có chia nhiều loại, mỗi loại có chức năng riêng, tự điều động bảo vệ thân này. Bản thân tế bào cũng bị sanh diệt liên tục, sự sanh diệt cũng tạo điều kiện cho thân tăng trưởng và hoại diệt. Căn cứ thân do tứ đại hợp thành, hay tế bào hợp thành, tìm cái thật ta hoàn toàn không có. Xét tổng quát hay chi li nơi thân này vẫn không có ta. Thân không thật có ta, mà chấp thật là ta, của ta là chấp sai lầm si mê. Đức Phật quan sát thân này thấy không phải là ta của ta, nên nói thân này là vô ngã. Ngày nay Y học tiến bộ khá xa, thân anh A bị mất máu, lấy máu anh B cùng loại truyền sang, anh A liền mạnh khỏe. Anh Xoài chết nguyện hiến các bộ phận trong cơ thể cho bệnh viện, anh Mít bị tai nạn hư vài bộ phận, bác sĩ lấy các bộ phận của anh Xoài ghép cho anh Mít, anh Mít được bình phục. Máu của ta nếu thật là ta, khi truyền máu người khác vào thì bị pha trộn, mất cái ta rồi. Những bộ phận trong thân ta thật là ta, ghép bộ phận người khác vào là không phải ta. Hiện nay người ta chế quả tim bằng nhựa, bằng vật khác ghép vào thân người thì đâu còn là người. Quả thật chấp thân này thật ta là si mê không hiểu biết lẽ thật.

Chấp tâm suy nghĩ lăng xăng là tâm ta cũng không hợp lý. Tâm ta phải trước sau đều như một và luôn luôn hiện hữu mới được. Tâm ta hiện giờ quá nhiều thứ: nghĩ thiện, nghĩ ác, nghĩ phải, nghĩ quấy, nghĩ đúng, nghĩ tốt, nghĩ xấu, nghĩ thương, nghĩ ghét... Đủ thứ đủ loại thì cái nào là ta? Tâm suy nghĩ chợt có chợt không, nếu là ta thì không suy nghĩ phải không có ta. Không ai có thể chấp nhận không suy nghĩ là không có mình, khi không suy nghĩ ta vẫn hiện hữu. Có khi đang suy nghĩ lăng xăng, nhìn lại tìm xem nó xuất xứ từ đâu, bỗng chúng mất dạng. Nhìn lại thì mất, tức nó không thật, cái không thật lại là ta thì ta là hư ảo. Thật tâm ta không phải nhiều thứ, không phải khi có khi không, không phải hư ảo, cần phải khảo sát tường tận mới được.

Thân không thật ta mà chấp là ta, tâm lăng xăng không phải ta mà chấp là ta, chấp cái không thật không phải là ta, thì cái thật cái phải ta bị che khuất. Cái thật ta bị che khuất là “quên mất mình”, đập tan cái che khuất thì cái thật ta bày hiện là công phu tu thiền thành công.

V. PHẢN QUAN TỰ KỶ

Soi sáng lại chính mình để trị bệnh quên mất mình, dẹp tan nhóm phiền não quấy nhiễu và che đậy trí huệ, phá vỡ những thành kiến định kiến khiến không thấy được chân lý.

5.1 Dẹp Tan Phiền Não Che Dậy

Phiền não làm rối loạn và che đậy nội tâm không cho trí huệ phát sáng, có rất nhiều chủng loại phiền não, đại để kê ra ít phần căn bản. Có năm thứ triền cái (che đậy) là: Tham, sân, hôn trầm, trạo cử (phóng túng), nghi, ác kiến. Chúng quấy nhiễu gây trở ngại phiền lụy không ít cho người tu và người đời. Tuy vậy một phen soi sáng lại mình sẽ thấy chúng là cụm mây đen, là đám sương mù, là trò ảo ảnh, không có gì đáng sợ. Thấy tột bản chất thì chúng tự tan vỡ, tưởng lầm là thật thì chúng tác quái không thể lường. Soi sáng lại mình là cây kiếm trí tuệ, là cái kính chiếu yêu khiến loài ma quái phiền não đều tan biến. Ngược lại, những kẻ quên mình theo vật là môi trường tốt cho bọn gian ác phiền não sinh sống hoạt động.

5.2 Phá Vỡ Thành Kiến Định Kiến

Chúng ta sống trong gia đình, trong xã hội, do phong tục tập quán và tánh tình cá nhân nhồi nặn thành thói quen cấu tạo ra thành kiến và định kiến của con người. Hai thứ này gây nên mọi sai lầm tạo nguy hiểm cho nhân loại. Ta đã có thành kiến anh A là tốt, chú B là xấu, nên anh A dù có làm xấu ta vẫn không thấy xấu, chú B có làm tốt ta vẫn không thấy tốt. Đã có định kiến điều này là phải, điều kia là quấy, ai làm điều này thì ta thích, ai làm điều kia thì ta bực bội không ưa, ai bênh vực điều này thì ta hoan nghênh, ai xu hướng điều kia thì ta thù hận. Thấy tôn giáo ta là chánh, tôn giáo khác là tà, ôm ấp định kiến này là nuôi dưỡng mầm chia rẽ địch thù. Soi sáng lại chính mình là phá vỡ thành trì định kiến, đập tan tường vách thành kiến cho ánh sáng chân lý rọi vào, thấy người và vật đúng như hiện là. Người vật thế nào ta thấy thế ấy không có khuôn mẫu sẵn áp đặt khiến phải như nhau. Ta thấy sự vật đúng như sự vật, không so sánh, không thêm bớt, không bắt phải là, mà thật sự hiện là.

Thiền sư Nam Tuyền, Qui Tông, Ma Cốc đi đường gặp con cọp ngồi giữa đường. Ma Cốc hỏi: Giống cái gì? Qui Tông đáp: Giống cho chó. Ma Cốc bảo: Giống con mèo. Nam Tuyền nói: Con cọp. Con cọp thấy là con cọp, là cái nhìn của Thiền sư.

Thiền sư Quế Sâm, Trường Khánh, Bảo Phước đi vào châu phố thấy một đóa hoa mẫu đơn. Bảo Phước nói: Một đóa hoa mẫu đơn đẹp. Trường Khánh bảo: Chớ để con mắt sanh hoa. Quế Sâm nói: Đáng tiếc một đóa hoa. Đóa hoa là đóa hoa, chớ thấy đẹp, chớ ngừa đón, làm mất sự hiện là của đóa hoa.

Thiền sư Vân Môn ở trong đại chúng đưa cây gậy lên nói: Phàm phu cho là thật, Nhị thừa nói là không, Duyên Giác nói là huyễn có, Bồ Tát nói đương thể tức không, Thiền sư nói cây gậy là cây gậy. Thiền sư nhìn cây gậy, không phân tích, không quán chiếu, tháo gỡ mọi thành kiến định kiến của con người.

5.3 Phát Minh Con Người Chân Thật

Soi sáng lại chính mình càng sâu, càng thấy rõ sự thật nơi con người. Bát Nhã Tâm Kinh nói: “Bồ Tát Quán Tự Tại khi hành sâu Bát Nhã ba la mật đa (Trí huệ cứu cánh) thấy năm uẩn đều không, qua tất cả khổ ách”. Thấy tường tận con người từ sắc chất (sắc) đến tinh thần (thọ, tưởng, hành, thức) đều không có thật thể cố định thì qua khỏi tất cả khổ ách trên đời. Hiện nay chúng ta mọi đau khổ cứ đổ ập trên đầu khó thể ngoi đầu lên nổi, vì thấy thân này từ sắc chất đến tinh thần là mình thật. Khi thấy thân này không thật thì mọi khổ ách đều đổ tuột vào hư không hết. Đây là phát minh con người quả thật là hư dối thì khổ ách không còn hại được.

Phát minh được con người chân thật kỳ diệu vô cùng quá sức nghĩ tưởng của chúng ta. Trong kinh Pháp Hoa diễn tả bỏ quên con người thật của mình, minh họa bằng chàng cùng tử bỏ cha đi lang thang sống trong cảnh nghèo khổ cơ cực. Khi chàng ta hồi nhớ cha tìm trở về, thấy cha già là ông trưởng giả giàu lớn, lén trốn không dám nhìn. Cha thấy biết gã là con của mình, liền dùng phương tiện dẫn dụ gã về làm công, cuối cùng nhận là con trao hết sự nghiệp. Chàng cùng tử bàng hoàng choáng váng không thể ngờ xảy ra việc này. Từ đây kiếp sống lang thang khổ sở không còn nữa. Dù đang làm cùng tử sự nghiệp vẫn có sẵn, chỉ cần biết hồi tâm trở về. Hình ảnh cột hạt châu trong chéo áo cũng nói lên ý nghĩa này.

Thiền sư Úc ở Trà Lăng, Trung Hoa đời Tống một hôm cỡi ngựa đi qua cầu ván, chân ngựa sụp lỗ hổng, Thiền sư té nhào bỗng đại ngộ, đọc bài kệ:

Âm :
                Ngã hữu minh châu nhất khỏa,
                Cửu bị trần lao quan tỏa.
                Kim triêu trần tận quang sanh,
                Chiếu phá sơn hà vạn đóa.

Dịch:
                Ta có một viên minh châu,
                Đã lâu vùi tại trần lao.
                Hôm nay trần sạch sáng chiếu,
                Soi tột núi sông muôn thứ.

Còn lắm chuyện kỳ đặc lý thú không thể dẫn hết.

VI. MỤC ĐÍCH THIỀN VÀ KHOA HỌC

Mục đích khoa học là chinh phục thiên nhiên để phục vụ con người. Mục đích Thiền là khám phá con người chân thật để cứu khổ chúng sanh. Hai bên đều nhằm phục vụ con người hay cứu khổ chúng sanh là giống nhau, song mỗi bên có hướng đi khác. Ta hãy tìm hiểu chi tiết từng bên xem thế nào?

6.1 Tọa Thiền Có Phải Tiêu Cực Không?

Thời đại con người xem thời giờ là vàng là bạc, tại sao trong chùa có những vị sư ngồi im lặng cả buổi, có phải phí phạm thời giờ vô ích không? Hiện nay con người lao người lao mình theo vật chất cố tranh đua giành giựt cho nhiều để làm thỏa mãn nhu cầu của mình. Bon chen đấu đá mong giành phần thắng về mình. Làm cho mình, lo cho mình, giành cho mình...., có ai hỏi mình là gì thì ngẩn ngơ. Không biết mình là gì thì những việc làm, việc lo, việc giành trở thành vô nghĩa. Nhà sư ngồi im lặng cốt soi sáng để tìm ra cái gì thật là mình. Biết được mình cuộc sống mới có giá trị, mọi việc làm mới có ý nghĩa.

Đạo Phật thừa nhận con người là chính, ngoại cảnh là phụ, con người giỏi tốt thì ngoại cảnh cũng tốt, con người dở xấu thì ngoại cảnh cũng xấu, ngoại cảnh tùy thuộc con người. Muốn xây dựng ngoại cảnh, trước phải xây dựng con người, từ ngữ chuyên môn gọi con người là Chánh báo, ngoại cảnh là Y báo. Cái nhà tùy thuộc ông chủ, cần nghiên cứu nguồn gốc xây dựng cái nhà, trước phải biết rõ ông chủ nhà. Đạo Phật chủ trương muốn biết vũ trụ, trước phải biết con người, không biết rõ con người thì vũ trụ cũng không thể biết chính xác được. Đức Phật sau khi giác ngộ thấu suốt vấn đề con người, đồng thời cũng thấu suốt vũ trụ. Tọa thiền soi sáng phăn tìm để phát minh chân lý của con người là vấn đề tối trọng đại, làm sao bảo tiêu cực được.

6.2 Khoa Học Chinh Phục Thiên Nhiên Cứu Cánh Chưa?

Vũ trụ thênh thang vô cùng tận, mạng sống con người ngắn ngủi, sự hiểu biết giới hạn, làm sao tìm biết tường tận vũ trụ được? Hiện nay đa số người xem khoa học là cứu tinh nhân loại, đem lại ấm no sung sướng và thỏa mãn mọi nhu cầu của con người. Sự phát triển của khoa học khiến con người ta phải choáng váng phải nghi ngờ, ngày mai kia sẽ ra sao?

Khoa học là con dao hai lưỡi, bên này cho chúng ta tiện nghi, bên kia chuẩn bị đưa chúng ta vào tận diệt. Các cửa hành chứa đầy ắp vật dụng tinh vi tân tiến, trên đường xe cộ bóng loáng, khi đó trong kho chứa vũ khí giết người hằng loạt, bom nguyên tử, bom khinh khí, bom vi trùng, bom hóa học đang nằm chờ ấn nút. Khoa học đem hạnh phúc lại cho con người, sợ e không bằng đưa kinh hoàng đến với nhân loại. Chúng ta nên mừng hay nên buồn trước sự phát minh vượt bực của khoa học?

6.3 Thiền Hợp Tác Với Khoa Học

Với những nhận định trên, tôi không cố tình gieo rắc nỗi thất vọng chán nản cho mọi người, mà muốn gợi ý để chúng ta cùng tìm phương cứu chữa chứng bệnh thời đại.

Khoa học tiến quá nhanh, các quốc gia tiên tiến đều dốc sức đầu tư cho khoa học, chạy đua không ai chịu thua ai. Một ngày nào đó vật chất thừa mứa, đua nhau giành thị trường, nước này thắng thì nước kia phải bại. Khi đó trong tay mỗi nước có sẵn vũ khí tiêu diệt kẻ thù dễ dàng, nếu tâm những nhà lãnh đạo hung hăng nóng bỏng liệu hậu quả sẽ ra sao? Cần trị chứng bệnh thời đại này, khoa học phải hợp tác với tu thiền là phương thuốc hay nhất. Khi lao mình bay trong vũ trụ chinh phục thiên nhiên, cần giành một ít thời giờ ngồi lặng lẽ soi sáng lại chính mình. Quân bình được hai cực này sẽ đem lại sự bình an chân thật cho con người. Hơn nữa, kẻ hung hăng nóng bỏng sẵn trong tay vũ khí nguy hiểm, hậu quả sẽ không lường. Nếu vũ khí nguy hiểm nằm trong tay người tâm trầm tĩnh từ bi thì có lợi cho con người vô kể. Chúng ta không sợ vũ khí nguy hiểm, chỉ sợ lòng người hung dữ. Chúng ta cần đem tâm trầm tỉnh từ bi tặng lại cho người bạn có vũ khí nguy hiểm. Song phải là đạo đức chân thật thấu suốt và làm chủ mình cùng thương yêu mọi người. Cần quân bình đạo đức ngang bằng khoa học, nhân loại mai kia mới được sống an vui hạnh phúc.

KẾT THÚC

Tất cả cái quý trên thế gian không cái quý nào bằng “mạng sống”. Tất cả cái biết quan trọng trên thế gian, không cái biết quan trọng nào bằng “biết mình”. Trọn đời đức Phật chỉ làm hai việc: Tìm cho ra cái không thật và cái thật mình, chỉ dạy mọi người xoay lại tìm mình để thấy rõ chân tướng chính mình. Phương pháp dạy xoay lại tìm mình tức là “phản quan tự kỷ” chính là pháp tu thiền. Cái trọng đại của con người là biết mình, dù chúng ta biết khắp năm châu, biết khắp vũ trụ, cũng không bằng biết rõ chính mình. Đem hết cuộc đời để nghiên cứu truy tìm cho ra vấn đề trọng đại này đâu phải là việc tầm thường, hướng dẫn người nghiên tầm cho ra vấn đề này đâu phải là việc không cấp thiết. Đã thấy vấn đề quan trọng cấp thiết này rồi, chúng tôi quyết tâm trọn đời phải nghiên tầm cho ra, hướng dẫn người phải thực hành cho được, đây là bản hoài sở nguyện của chúng tôi.

 

TẠI SAO TÔI TU THEO ĐẠO PHẬT - Thiền Thất Thường Lạc

TẠI SAO TÔI TU THEO ĐẠO PHẬT ?

Trích từ tập BA VẤN ĐỀ TRỌNG ĐẠI TRONG ĐỜI TU CỦA TÔI
HT Thiền sư THÍCH THANH TỪ  [bản dịch]

Trên thế gian có khá nhiều đạo giáo, tại sao tôi chọn Đạo Phật để tu theo ? Bởi vì Phật pháp đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của tôi. Người đi tu cốt tìm chân lý, nơi nào giải rõ chân lý một cách cụ thể thì có sức hấp dẫn người tu dừng nơi đó. Chúng ta đi tu là hiến dâng cả cuộc đời cho chân lý, nếu không chọn lựa kỹ càng lỡ đi lệch đường thì rất uổng cho kiếp hy sinh. Mang cả tâm hồn trong sáng của một người phát nguyện đi tu, vô lý chúng ta cam đem nó chôn vùi dưới đống bùn nhơ. Cho nên trước khi bước chân vào một đạo giáo nào, chúng ta phải nhận định chín chắn dò xét tận tường, sau đó mới thực hiện bản nguyện của mình. Đến với Đạo Phật, tôi rất hài lòng với những điều Phật dạy, xin lược kể một số vấn đề căn bản sau đây:

I. ĐẠO PHẬT NÓI SỰ THẬT

1. Lý Vô Thường

Phật giáo thường nhắc nhở chúng ta "Vạn vật trên thế gian là vô thường". Từ con người đến muôn vật luôn chuyễn biến liên tục như dòng thác đổ không một phút giây dừng nghĩ. Nơi con người tế bào này sanh tế bào kia diệt, sanh diệt, diệt sanh nối tiếp không ngừng, mãi đến khi thân này hoàn toàn bại hoại. Ở sự vật các nguyên tử cũng quay cuồng sinh diệt, thay đổi không bao giờ an trụ. Sự tồn tại của người và vật trong vòng luân chuyển biến động, dừng chuyển động thì con người chết, sự vật hoại, nên nói "sống động". Sự chuyển động liên tục gọi là sát na vô thường. Nếu chia từng phần, chặn từng đoạn để khảo sát ở con người và động vật có bốn tướng sanh, già, bệnh, chết; loài thực vật có bốn tướng sanh, trụ, dị, diệt; loại khoáng chất cho đến quả địa cầu có bốn tướng: Thành, trụ, hoại, không, gọi chung là Nhất Kỳ Vô Thường. Đây là lẽ thật, là chân lý trong thế gian này.

Có lắm người không thấu suốt lý vô thường cứ ảo tưởng ta sống lâu mãi, một khi già bệnh chết đến thì kinh hoàng sợ hãi than thở khổ đau. Do ảo tưởng ta mạnh khỏe sống dai, dù có thấy người già bệnh chết vẫn dửng dưng, cứ nghĩ đó là việc của người không can hệ gì đến ta. Từ chỗ không thấy hiểu lý vô thường khiến họ nhìn đời một cách ngây thơ khờ khạo, khi nghe cái chết sắp đến mình, họ đâm ra sợ hãi hốt hoảng cầu cứu khóc than. Ngược lại, người thâm nhập lý vô thường sẽ vững vàng chững chạc đứng nhìn cái già chết đến với một nụ cười. Người này biết rằng vô thường là lẽ thật chi phối tất cả thế gian không một ai trốn thoát được, dù muốn chạy trốn hay kêu khóc van xin chỉ khổ tâm nhọc thân vô ích. Chi bằng:

                        "Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hãi,
                        Thịnh suy như cỏ hạt sương đông"

                                                (Thiền Sư Vạn Hạnh)

Có phải thảnh thơi chăng? Do nhận chân được lý vô thường con người gan dạ cứng cỏi, không phải hèn nhát yếu đuối như người ta tưởng. Có nhiều người nghe Phật nói lý vô thường, họ cho là tinh thần bi quan yếm thế. Họ đâu ngờ, kẻ hiểu được lý vô thường càng nỗ lực tu hành, nỗ lực làm lợi ích chúng sanh, hãy nghe câu "Cần tu như lửa cháy đầu...", vì họ biết qua mất một ngày không thể nào tìm lại được. Để thêm can đảm, chúng ta cần nghiên cứu lẽ thật của lý nhân quả.

2. Lý Nhân Quả

Con người mắc phải một bệnh rất trầm trọng là trốn tránh trách nhiệm, mọi việc xấu tốt hay dở trong đời mình đều đổ trúc do tạo quá sắp đặt, do số mệnh định sẵn, cam an phận chờ đợi phải sao chịu vậy. Quả là một quan niệm sai lầm quá lớn, tự tước bỏ hết quyền làm chủ của con người. Phật giáo vạch rõ cho chúng ta thấy mọi thành công thất bại, tất cả khổ vui trong đời trong đời mình đều do ta làm chủ quyết định. Đây là căn cứ trên lẽ thật của lý nhân quả, vì mọi kết quả hình thành đều xuất phát từ nguyên nhân của nó. Động vật, thực vật... trong vũ trụ sanh thành hoại diệt đều từ nguyên nhân đến kết quả, không có ngẫu nhiên thành, không có bàn tay vô hình nào sắp đặt xây dựng tương lai theo ý muốn của chúng ta. Sự khổ vui đã đến và sẽ đến, chúng ta can đảm chấp nhận, không than trách, không van xin, tự ta biết rõ kết quả nào cũng từ nguyên nhân chúng ta đã tạo. Chỉ cần khôn ngoan gặp quả khổ khéo chuyển đổi thành vui, được quả vui không cống cao tự đắc mà khiêm tốn vun bồi thêm nhân tốt cho mai sau. Gặp khổ than thở oán hờn, gặp vui tự cao ngạo mạn là thái độ của kẻ si mê hèn yếu.

Người biết rõ nhân quả dè dặt từ ý nghĩ lời nói hành động của ta, vì khẳng định rằng ý nghĩ xấu lời nói ác hành động tội lỗi là gieo nhân đau khổ, sớm muộn quả đau khổ sẽ đến với ta. Trái lại, ý nghĩ tốt, lời nói lành, hành động nhân đạo là gieo nhân vui, sớm muộn quả vui sẽ đến. Nếu sợ quả khổ thì không sợ ai bằng sợ mình, muốn được quả vui không van xin ai bằng van xin mình. Ta là chủ nhân đặt định cuộc đời hiện tại và tương lai khổ vui của ta, tất cả quyền năng vô hình phi lý không còn chỗ xen vào cuộc đời của ta. Chúng ta có thẩm quyền tuyên bố rằng: “chúng tôi tôn trọng nhân quyền”.
Khoa học ngày nay chứng minh cụ thể lẽ thật của nhân quả. Sự phân tích của khoa học đều căn cứ trên quả để phăng tìm nguyên nhân, không một quả nào mà chẳng có nguyên nhân, do nắm chắc nguyên nhân các nhà khoa học chế tạo kết quả theo ý muốn của họ. Ngày nay chúng ta thấy khoa học có đầy đủ vạn năng do khéo sử dụng triệt để lý nhân quả, chúng ta có thể nói “không có nhân quả thì không có khoa học”. Tuy nhiên khoa học mới ứng dụng được nhân quả trên hình tướng vật chất, phần tâm linh khoa học chưa sờ mó đến. Người tu theo Đạo Phật không những biết rõ lý nhân quả của vật chất mà còn thấu suốt nhân quả của tâm linh. Bài pháp đầu tiên Phật dạy nhóm Ông Kiều Trần Như thuộc về nhân quả tâm linh. Hiện tại quả Khổ là từ tập nhân, quả Diệt là từ đạo nhân, đây là bốn lẽ thật không thể sai chạy hay chối cãi được gọi là pháp Tứ Đế. Bốn thứ nhân quả tâm linh này chúng ta biết rõ khéo sử dụng và điều phục được là dứt sạch phiền não đau khổ, chứng quả an lạc Niết bàn.

Song ngày nay có những người tự xưng là trưởng tử Như Lai mà không hiểu nhân quả, không ứng dụng nhân quả tu hành, lại bày ra lắm trò lừa đời bịp chúng, thật là đáng buồn. Nhân quả đã không hiểu thì làm sao thâm nhập được lý nhân duyên.

3. Lý Nhân Duyên

Người cha dẫn đứa con mười tuổi ra đứng dựa bờ sông, thằng bé hỏi: “Tại sao có sông?” Muốn nó khỏi thắc mắc, cha trả lời: “Trời sanh”. Thấy dòng nước chảy, bé hỏi: “Tại sao có nước?” Cha đáp: “Trời sanh”. Bé hỏi: “Trời ở đâu?” Cha đáp: “Ở trên xanh thăm thẳm đó”. Bé yên lòng không còn thắc mắc gì nữa. Sự vật ở trong thế gian không đơn giản, vì sự hiểu biết giới hạn của con người nên giải quyết như thế cho tạm ổn. Đạo Phật không chấp nhận sự đánh lừa ấy nên nói lý Nhân Duyên. Tất cả hình tướng vật thể trên thế gian đều do sự kết tụ nhiều nhân hợp thành, không một vật nào ngẫu nhiên có hay một nhân tạo nên, mà phải nhiều nhân chung hợp, sự chung hợp là duyên. Lý Nhân Duyên là lẽ thật, các nhà khoa học đã phân tích cụ thể rồi không còn gì phải nghi ngờ thắc mắc. Trong kinh Phật phân tích đơn giản thân này do tứ đại (đất, nước, gió, lửa) hay ngũ uẩn (sắc, thọ, tưởng, hành, thức) hợp thành, nếu chia chẻ tế vi hơn thì có vô số hộ trùng và hoại trùng đang tranh đấu bảo vệ và phá hoại. Cho nên kinh nói: “Trong thân người vô số vi trùng đang trú ngụ bên trong”. Ngày nay khoa học phân tích trong thân người có bao nhiêu tỷ tế bào sinh hoạt, trong sự vật có vô số nguyên tử... kết tụ thành.

Đã là nhân duyên thì mọi hình tướng đều không có thật thể, không cố định. Nhân duyên tụ hợp thành hình thì cái gì là thật thể? Nhân duyên luôn luôn sanh diệt biến động thì làm sao cố định? Một vật không có thật thể, cố định thì ai dám bảo là vật thật, cho nên Phật dạy “Sắc tức là không, không tức là sắc” hay “Phàm vật gì có tướng đều là hư dối”. Nói đến nhân duyên là thừa nhận sự liên đới ràng buộc chằng chịt giữa người với người, người với muôn vật rất mật thiết. Không ai có thể tách rời mình với mọi người, mình với muôn vật được, nên phải kính trọng người, phải thương yêu muôn vật, vì “Mình là tất cả, tất cả là mình”.

Do những lẽ thật đã dẫn ở trên hấp dẫn tôi bước chân vào cửa Phật. Được nghe lời Phật dạy con mắt trí tuệ tôi lóe sáng đôi phần, song tôi thèm khát muốn được mở sáng hơn nữa, đấy là phần trí tuệ ở sau.

II. ĐẠO PHẬT ĐẶT GIÁC NGỘ TRÊN HẾT

Thái Tử Tất Đạt Đa nếu không giác ngộ dưới cội Bồ Đề thì không có Đạo Phật. Bản thân Đạo Phật là giác ngộ, không giác ngộ là không phải Đạo Phật. Những bậc tu hành chứng đạo quả đều là người giác ngộ. Bồ tát là hữu tình giác hay giác hữu tình; Duyên giác là giác ngộ pháp nhân duyên; A La Hán là giác ngộ pháp Tứ Đế. Chư Tổ truyền thừa chánh pháp trên hai ngàn năm cũng là truyền thừa sự giác ngộ. Người sau minh họa sự truyền thừa ấy bằng hành ảnh “Trao đèn nối đuốc” (Truyền đăng tục diệm), tức là đèn tuệ thường chiếu rọi, đuốc tuệ mãi soi đường. Trí tuệ là ngọn đèn, là cây đuốc soi sáng đưa người ra khỏi lối vô minh. Cho nên giáo pháp Phật dạy, pháp nào cũng đặt trí tuệ là trọng yếu. Các kinh A Hàm nói Bát Chánh Đạo thì hai đạo đầu là Chánh Kiến, Chánh Tư Duy. Kinh Bát Nhã nói pháp Lục Độ thì hai độ cuối là Thiền Định và Trí Huệ. Người mới vào đạo phải học Tam Huệ: Văn Huệ, Tư Huệ, Tu Huệ. Những kẻ tu hành tiến sâu vào giải thoát phải thực hành: Giới Luật, Thiền Định, Trí Huệ. Các cấp bậc người tu khác nhau đều căn cứ giác ngộ làm vị thứ. Phân chia giáo lý cao thấp đều lấy trí huệ làm nền tảng.

Đạo Phật xem trọng trí huệ, vì nó là ngọn đèn soi sáng khiến người thấy được chân lý của cuộc đời, cũng nhờ ngọn đuốc trí tuệ soi đường người tu thoát khỏi cái khổ đêm dài u tối vô minh. Cũng nhờ ngọn đèn đuốc trí huệ người tu mới hướng dẫn được những kẻ lầm đường lạc lối tránh khỏi xa hố sục hầm. Nếu không có trí tuệ, chẳng biết người tu sẽ làm gì để cứu độ chúng sanh. Nhân loại hiện nay cũng biết quý trọng chất xám, vì chất xám ném vào nông nghiệp thì đất đai màu mỡ thu hoạch vượt trội; chất xám ném vào công nghiệp thì kỷ thuật tiên tiến thành phẩm xuất sắc; chất xám ném vào chánh trị thì quốc gia hưng thịnh xã hội văn minh... Chất xám giải quyết được sự thiếu thốn nghèo nàn của những quốc gia chậm tiến. Nhờ biết sử dụng chất xám, các quốc gia lạc hậu chậm tiến được vươn lên.

Đạo Phật xem trọng trí huệ ngang hàng với từ bi. Trí huệ và từ bi phải đi song đôi, phải cân bằng không được chênh lệch. Có trí huệ mà thiếu từ bi là trí huệ khô (càn huệ), có từ bi mà không trí huệ là từ bi mù quáng (si từ). Từ bi và trí tuệ như chim hai cánh, chích một cánh là không thể bay được. Song trên thế giới hiện nay người ta đầu tư cho chất xám. Có chất xám mà thiếu con tim thì chất xám sẽ bị bại hoại. Sự mất thăng bằng này là một tai họa không thể lường của nhân loại về sau!

III. ĐẠO PHẬT LÀ ĐẠO TỪ BI

Đạo Phật dạy từ bi không đặt nặng lý thuyết, mà chú trọng thực hành. Người vừa đặt chân vào cửa Phật bắt buộc phải giữ năm giới. Chỉ giữ năm giới thôi cũng đủ thể hiện lòng từ bi. Không sát sanh là tôn trọng sanh mạng của người và vật. Không trộm cướp là tôn trọng sự nghiệp tài sản của người. Không tà dâm là là tôn trọng hạnh phúc gia đình mình và gia đình người. Không nói dối là giữ uy tín của mình và tôn trọng phẩm giá người. Không uống rượu, hút á phiện, xì ke ma túy là bảo vệ sự sáng suốt và sức khỏe của mình, đồng thời tôn trọng an ninh trật tự xã hội. Nếu là tu sĩ xuất gia, Phật cấm không được vô cớ mà ngắt một cộng cỏ tươi, bẻ một cành cây xanh, cũng không được hủy hoại mầm sống của muôn vật. Không làm phiền làm hại người và mọi vật, đây là thể hiện thực tế lòng từ bi. Tuy nhiên phần từ bi này còn mang vẻ tiêu cực, phải tiến lên một bước xông xáo cứu giúp mọi người, làm lợi ích chúng sanh thực hiện hạnh bố thí mới là tích cực.

Bố thí là ban cho hay giúp đỡ, giúp đỡ những người gặp khó khăn hoạn nạn, động cơ bố thí là tình thương. Giúp đỡ mà không có tình thương thì không phải làm hạnh bố thí. Có những người đến chùa gặp những ngày lễ lớn, vào buổi chiều cúng cô hồn, sau khi cúng xong tất cả quà bánh trên bàn đem tung vãi các nơi, bọn trẻ con đua nhau giàng giựt, gọi là thí cô hồn. Họ hiểu lầm tưởng bố thí cũng đem quăng ném một cách vô ý thức như vậy. Cho nên cần bố thí ai vật gì, họ cứ ném như thế, hoặc có bị đánh cắp vật gì, họ nói bố thí cho nó đi. Bố thí phải đủ hai yếu tố tình thương và quý trọng người mình biếu tặng. Vì thương yêu quý trọng ta giúp đỡ một cách chân tình cho những người khó khăn thiếu thốn, mới đúng tinh thần bố thí của đạo Phật. Tài vật dù ít dù nhiều không quan trọng, mà quan trọng ở tình thương quý kính người mình cứu giúp. Người gặp cảnh khổ đau buồn tủi, đó là nguồn an ủi to lớn cho người bất hạnh. Không chỉ dùng tiền bạc vật dụng giúp đỡ người mới gọi là bố thí, nếu ta có khả năng đủ phương tiện tạo công ăn việc làm cho người thất nghiệp, giúp vốn cho người cần vốn làm ăn, hoặc dùng công sức mình giúp đỡ người cần giúp đỡ... cũng là tu hạnh bố thí. Những công tác giúp đỡ người vì tình thương, vì quý kính đều thể hiện lòng từ bi qua hành động bố thí.

Tuy nhiên con người không phải chỉ khổ vì thiếu cơm ăn áo mặc, mà còn khổ vì tâm thần bất an buồn phiền lo sợ..., hoàn cảnh này phải nhờ chánh pháp để cứu giúp họ. Phật pháp sẽ mở sáng con mắt trí huệ cho ta nhìn thấy lẽ thật trong cuộc sống. Mọi khổ đau do ảo tưởng của ta tạo ra, một khi thấy lẽ thật chúng đều tan biến như ánh nắng tan biến sương mù. Con người phần lớn sống bằng mơ tưởng ảo huyền, khi chạm sự thật bất như ý đâm ra bất mãn thất chí khổ đau. Thấu triệt được lẽ thật, con người không còn đau khổ bâng quơ, mà được bình an thanh thản trong cuộc sống hiện tại. Bác sĩ đến chẩn mạch và chích thuốc cho một cho một đứa bé và một người lớn. Vừa thấy ống thuốc gắn kim, chích vào thịt, đứa bé khóc la inh ỏi, trái lại người lớn cũng thấy và bị chích như thế, mà vui vẻ cám ơn Bác sĩ. Người thấy rõ chân lý cuộc đời, họ chỉ vui cười chớ không kêu khóc oán hờn. Kẻ mê muội sống bằng ảo tưởng, lúc nào họ cũng oán trách than phiền đau khổ. Cho nên Phật xem trọng bố thí pháp hơn bố thí tài. Bố thí tài chỉ giúp người giải khổ tạm thời trong cấp bách, bố thí pháp mới đem lại sự an bình vĩnh cửu cho con người. Do đó, tu sĩ Phật giáo lấy bố thí pháp làm trọng tâm đem lại lợi ích cho chúng sanh.

Đạo Phật quý trọng mạng sống con người và muôn vật, vì loài nào cũng ham sống sợ chết. Trên lẽ công bằng, ta ham sống người vật cũng ham sống, vô lý vì sự sống của mình mà tàn hại sự sống của người vật khác. Thế nên người Phật tử không sát hại người vật, mà còn cứu mạng phóng sanh. Tình thương bao la khắp muôn loài, muốn tất cả đều được an vui cường tráng sống lâu, đây là lòng từ bi của đạo Phật. Thiếu lòng từ bi thì đạo Phật sẽ khô cằn, vì vậy lòng từ bi được biểu trưng bằng nước cam lồ. Chúng sanh bị lửa hận thù thiêu đốt, bị nắng phiền não cháy da, bị sức nóng lo sợ khô cổ, gặp nước cam lồ tưới mát thì mọi đau khổ đều tiêu tan, nên nói từ bi đến đâu thì đau khổ mất dạng đến đó. Lòng từ bi không nỡ giết hại, không đành cột trói người vật, mà luôn luôn giúp đỡ buông tha cho tất cả được tự do thong thả.

IV. ĐẠO PHẬT TÔN TRỌNG TỰ DO

Con người ai không thích thong thả tự do, có sự ép buộc kềm chế từ bên ngoài là mất tự do. Vì thế người đến với đạo Đạo Phật không có điều kiện gì cả, chỉ cần tâm mến đạo thích tu là đủ. Sau khi thành Phật tử cũng không có sự bắt buộc nào, thích đi chùa thì đến, không thích ở nhà tu cũng được. Khi phát tâm quy y có khuyến khích giữ năm giới, chẳng qua là phương tiện đem lại sự an bình cho Phật tử đó thôi. Song tôn trọng tự do có lợi với người biết nhận thức có ý chí mạnh, sẽ bất lợi với người kém nhận thức và ưa chểnh mảng. Tinh thần tôn trọng “Tự giác tự nguyện” của Phật tử, Đạo Phật không tạo điều kiện kềm chế thúc ép nào.

Cho đến khổ đau và an vui của con người, đạo Phật nói rõ đều do con người tự do tạo lấy. Phật không có quyền can thiệp khổ vui của con người. Ngài chỉ là người hướng dẫn chỉ đường cho những ai muốn tránh khổ tìm vui, mọi khổ vui đều do con người quyết định. Ai muốn an vui thì trước phải đem sự an vui lại cho mọi người. Chẳng có ai cầm cân nẩy mực ban phước xuống tội cho chúng ta. Hành động tốt của ta sẽ mang vui cho ta, hành động xấu của ta sẽ chuốc đau khổ cho ta. Ta là chủ nhân ban phước giáng họa cho ta, con người tự do chọn khổ lựa vui, không đổ thừa không lệ thuộc thế lực vô hình bên ngoài.

Hơn nữa, tự do không đòi hỏi ở đâu, nơi ai, chính ta thắng được mọi cám dỗ bên ngoài là tự do. Mọi sắc tài danh lợi không lôi cuốn được ta là tự do. Người đời miệng luôn nói tự do đòi tự do, mà ghiền rượu, mê sắc, hiếu danh... không bao giờ được tự do? Tự do là chân giá trị của con người, song muốn tự do ta phải đủ nghị lực chiến thắng bọn ma sắc, tài, danh, lợi..., chúng biến hóa thiên hình vạn trạng quyến rũ dụ dỗ ta rơi vào trận mê hồn của chúng. Chúng ta không một bề đổ lỗi cho bọn nó, mà phải nhìn tận nội tâm mình. Trong tâm ta sẵn sàng mến khách, khách mời rủ mới chạy theo. Nếu mọi ái dục bên trong đã lạnh nhạt khô khan thì chúng làm gì quyến rũ được. Ta phải can đảm chiến thắng bọn quỉ vương ở nội tâm thì đám yêu quái sắc tài bên ngoài sẽ đầu hành. Cái gốc tham mê ái dục đã nhổ thì cành lá phiền não đâu còn nảy sanh. Hồ nước tâm đã lóng sạch trong veo và gạn lọc hết bùn nhơ, dù có gió mạnh thổi, mặt nước dậy sóng vẫn không ngào đục. Dứt sạch mầm tâm mê luyến trần cảnh là ta thật sự tự do. Nhân tự do đưa đến quả giải thoát.

Giải thoát không phải sang thế giới kỳ đặc ở bên kia, không phải ngao du trong cảnh huyền bí mầu nhiệm, mà ngay nơi này tâm không dính mắc sáu trần là giải thoát. Còn dính mắc là trói buộc, không dính mắc là tự do giải thoát. Sự trói buộc dính mắc không phải lỗi ở sáu trần mà lỗi ở nội tâm. Sắc đẹp tiếng hay... đâu có thần thông trói buộc được ta, chỉ vì ta còn mến sắc đẹp, thích tiếng hay, ưa vị ngon... chạy đuổi theo chúng nên bị chúng trói buộc. Nếu lòng ta băng giá thì sáu trần sẽ bất lực không còn khả năng lôi kéo. Thật sự chúng ta không cần tìm giải thoát ở đâu xa, ngay nơi đây, chính tâm mình đủ khả năng làm chủ trọn vẹn là chân thật giải thoát.

V. PHẬT HÓA HỮU DUYÊN NHƠN

“Đạo Phật chỉ giáo hóa người có duyên”, thái độ này mới nhìn qua dường như tiêu cực. Hơn nữa, chùa chiền ngày xưa hầu hết xây cất nơi núi non xa vắng, ít khi có chùa nằm nơi phồn hoa phố thị. Sự truyền bá Đạo Phật có vẻ thầm lặng, không tuyên truyền ồn náo, vàng tăng vẻ tiêu cực hơn. Song thái độ này rất thích hợp tinh thần của đạo Phật, người Đông phương thuộc lòng câu “Hữu xạ tự nhiên hương, hà tất đương phong lập”. Quả thật chúng ta có của quý, dù cố giấu kín thiên hạ vẫn biết, lựa là phải đi khoe. Đức Phật biết rõ căn cơ chúng sanh rất đa dạng, không thể nào buộc họ có cái nhìn cái hiểu như nhau, nên để họ tự ý lựa chọn cái gì họ thích. Vì vậy đạo Phật không thích khoa trương ồn ào, chỉ sống trong cảnh yên tỉnh trầm lặng, ai thích thì tìm đến. Khi người ta tìm đến với mình thì phải tận tình chỉ dạy cho họ thâm nhập đạo lý, đây là thái độ của tăng sĩ Phật giáo. Nếu người truyền giáo tin rằng “Giáo lý đạo mình là siêu xuất tuyệt hảo”, khởi lòng vị tha muốn mọi người trên thế gian đều theo đạo mình, liền dùng mọi phương tiện giải thích, kêu gọi, dụ dỗ, rúng ép và vẫn có những người không chịu theo. Họ đâm ra bực bội, có khi dám sử dụng đến hành động tàn ác phi đạo lý, đó là “bệnh chấp thiện” mà ra. Đạo Phật truyền bá chánh pháp bằng cách thuyết giảng tại chùa, ai thích nghe thì đến, không thích thì thôi. Đến với đạo Phật bằng tin thần tự giác tự nguyện, một khi người ta nhận được chánh pháp là của quý thì xa xôi mấy thì họ cũng tìm đến. Trái lại điều gì người ta không thích mà ta cứ mời rủ mãi, họ càng sanh bực bội chống đối chẳng có lợi ích gì. Như cùng ngồi chung một bàn ăn, có những món rất thích khẩu ta, mà người khác không thích, ta cứ này ép mãi họ sẽ sanh bực bội, vì khẩu vị mỗi người có khác. Tôn giáo trên thế gian cũng như thế, tùy căn cơ trình độ của mỗi người để cho họ được tự do lựa chọn.

Bản chất tôn giáo là đem an vui hạnh phúc cho nhân loại nhưng ngày nay chúng ta đã được nghe, được chứng kiến nhân danh tôn giáo gây ra cảnh đau thương tang tóc cho con người. Chính là vì nhiệt tình vì lợi tha mà mắc phải lỗi lầm như thế. Do đây, chúng ta càng thấm thiết câu “Phật hóa hữu duyên nhơn” và càng thấu hiểu được thái độ dường như tiêu cực của đạo Phật.

KẾT THÚC

Qua những dữ kiện trên, tôi thấy đạo Phật rất thích hợp với tâm tư nguyện vọng của tôi. Càng tiến sâu vào đạo Phật, tôi càng thấy còn nhiều dữ kiện thích thú hơn, khiến tôi hăng hái phấn khởi trên đường tu. Tôi tự nghĩ đây là phúc lành nhiều đời của mình nên chọn được một đạo vừa chân thật, sáng suốt, tình thương, tự do và bao dung thế này. Sống trong thế kỷ hai mươi nhiều tôn giáo bị xao động vì câu nói “Khoa học tiến thì tôn giáo thối”. Song khảo sát chính chắn trong đạo Phật, tôi thấy ngược lại và có thể nói “Khoa học tiến càng làm sáng tỏ đạo Phật”. Thật vinh hạnh cho tôi chọn được một đạo không bị ánh sáng khoa học làm lu mờ, mà có thể cùng sánh vai với khoa học đem lại hạnh phúc thật sự lâu dài cho nhân loại.
 

POURQUOI SUIS-JE DEVENU MOINE BOUDDHISTE - Thiền Thất Thường Lạc

POURQUOI SUIS-JE DEVENU MOINE BOUDDHISTE ?

Premier texte vietnamien du Maître thiền, Vénérable THÍCH THANH TỪ
 Extrait du livre « Les Trois Questions Essentielles Dans Ma Vie De Moine »

Traduit par Diệu Anh
 Revu par le Groupe Saddharma  [source]

De par le monde, les religions sont nombreuses. Pourquoi ai-je embrassé la religion bouddhiste et pourquoi suis-je devenu moine ? -Tout simplement parce que l'Enseignement de Bouddha répond exactement à mes pensées profondes et à mes voeux intimes. Le but de celui qui entre en religion est la recherche de la Vérité, aussi arrête-t-il ses pas là où il trouve une explication plausible et captivante. Se faire moine signifie que le pratiquant a choisi de sacrifier sa vie pour la bonne cause qu'est la Vérité. De ce fait, il ne lui est pas permis de faire son choix à la légère avec le risque de s'égarer et de rendre vain son sacrifice mûrement consenti. C'est avec tout son esprit pur que le pratiquant prononce son voeu d'entrer en religion, il serait absurde de se résigner à enfouir ce coeur confiant dans la boue souillée. C'est pourquoi, avant d'embrasser une religion quelconque, nous devons l'examiner à fond pour connaître sa vraie valeur afin de prendre notre décision en toute connaissance de cause. Quant à moi, en adoptant le bouddhisme, je suis pleinement satisfait de l'Enseignement prodigué par Bouddha et je n'hésite donc pas à vous faire part de ses réponses à certaines questions fondamentales ci-après :

I. LE BOUDDHISME DIT LA VERITE

1. Le Principe De l’Impermanence/Lý Vô Thường

Souvent le bouddhisme nous rappelle que : " toute chose en ce monde est impermanente". L'être humain et tout ce qui existe se transforment continuellement comme en une cascade ininterrompue. Chez l'être humain, des cellules se forment, d'autres meurent. Ce processus de naissance suivie de destruction se poursuit sans interruption jusqu'à la destruction complète de ce corps physique. Il en est de même pour les atomes constituant la matière, ils se forment, se détruisent rapidement et constamment sans jamais se fixer. La survie des êtres et de la matière dépend du cycle continuel des transformations des cellules et des atomes. L’arrêt brutal de ce mouvement entraîne inévitablement la mort des êtres vivants et la destruction de la matière; aussi parle-t-on de "Vie et Mouvement/Sống động". Ce mouvement continu est appelé "l'Instantanéité impermanente/Sát na vô thường". L'examen des parties et éléments constitutifs du corps humain et des animaux montre qu'ils passent tous par quatre états : naissance, vieillesse, maladie et mort. Quant aux plantes, elles passent successivement par les quatre stades de création/sanh, de stabilité/trụ, d’involution/dị et de destruction/diệt tandis que les minéraux et le globe terrestre possèdent quatre stades : constitution/thành, stabilité/trụ, décomposition/hoại et anéantissement/không globalement appelés "Principe primordial de l'impermanence". Ceci est la réalité, la vérité de ce monde.

Pourtant nombreux sont ceux qui, confrontés à la vieillesse, la maladie et la mort, sont pris de panique et d'affolement; ils ne cessent de se lamenter sur leur sort. Ceux là n'ont pas saisi le principe de l‘impermanence et s’imaginent être toujours éternels. L’illusion d'une santé durable les rend indifférents au spectacle de la vieillesse et de la mort qui les environne, et dont ils pensent qu’il ne les concernent pas. La méconnaissance du principe d'impermanence explique la crainte, l'agitation, les appels de détresse, les pleurs et les lamentations traduisant un comportement naïf et stupide à l'approche de leur propre mort. En revanche, celui qui regarde sereinement la vieillesse et la mort avec le sourire aux lèvres, a pris conscience de l’impermanence de toute chose en ce monde, y compris la vie, il accepte volontiers ce qui lui arrive, preuve de l'universalité de ce principe de non-permanence. Nul ne pourra y échapper, donc inutile de se lamenter ou d'implorer, il vaudrait mieux :

                                Ne soyez troublés ni par la prospérité ni par la décadence.
                                Celles-ci sont comparables à la rosée hivernale sur les brins d'herbe.

Maître thiền Vạn Hạnh
                                [Mặc cuộc thịnh suy đừng sợ hải,
                                Thịnh suy như cỏ hạt sương đông]

Quelle liberté! Conscient de l'existence de l‘impermanence, l'être humain averti s'arme de courage et de fermeté. Nombreux sont ceux qui pensent que le principe de l'impermanence incite au pessimisme. Ils ne se doutent pas que la connaissance de ce principe rend l'homme plus apte à vouloir se perfectionner et à se rendre utile aux autres. Ecoutons ceci "Le besoin de se perfectionner tel le feu qui brûle dans la tête/cần tu tợ lửa cháy đầu", car chaque jour passé est perdu pour toujours. Pour nous stimuler, examinons à fond un autre principe, celui de la loi de causalité/luật nhân quả, afin d'en découvrir la vraie raison.

2. Le Principe De Causalité/Lý Nhân Quả

L'homme est atteint d'une maladie très grave, celle de fuir ses responsabilités. Il est convaincu que les événements heureux ou malheureux de sa vie sont prédéterminés par le destin ou par Dieu, aussi il se résigne et s'en remet au destin. C'est une conception complètement erronée puisqu’elle supprime toute notion d’indépendance de l’homme. Sur la base du principe de la causalité, le bouddhisme nous fait découvrir qu'en réalité c'est nous-mêmes qui, à travers nos décisions, sommes responsables de nos succès ou échecs, de notre bonheur ou malheur. Dans l'univers, les animaux et les plantes se produisent et se détruisent selon le rapport de cause à effet et non fortuitement. Il ne se produit aucun aménagement par une main invisible dans la construction de notre avenir. Ainsi conscients de nos responsabilités, nous pourrons désormais bâtir notre avenir conformément à nos espérances. Par conséquent, nous devons accepter tout ce qui nous arrive de bon ou de mauvais comme fruits de nos actes passés bons ou mauvais, sans vanité, sans plainte ni supplication. Aussi, gardons-nous de nous vanter du bien récolté, mais continuons à oeuvrer dans la bonne direction pour l'avenir, et ne nous décourageons pas devant les difficultés ou les situations inopportunes tout en oeuvrant à les rendre plus tolérables. Voilà le comportement des gens conscients du principe de causalité.

Le mérite de cette loi de causalité est d'inciter l'être conscient à s'abstenir de toute pensée, toute parole et tout acte répréhensibles, causes inévitables de souffrances futures, mais à cultiver les paroles et les actes méritoires, sources de bonheur dans un prochain avenir. Ainsi, on est soi-même le responsable de son propre malheur, et s'il faut quémander faveur ou secours, c'est à soi-même qu'il faut s'adresser, puisque l'être humain est maître de ses propres décisions et que celles-ci influencent directement sa vie présente et future, sans laisser aucune possibilité d'intervention d'un pouvoir quelconque invisible et irrationnel. Aussi pouvons-nous proclamer que "nous respectons le droit de l'homme".

De nos jours, la science a démontré pleinement la véracité de la loi de causalité : telle cause produira tel effet. En se basant sur les effets/quả, la science remonte à la cause/nguyên nhân) à travers les analyses expérimentales qui ont prouvé que rien n'existe à partir de rien, c'est-à-dire qu'il n'y a pas d'effet sans cause. La connaissance des causes a permis aux scientifiques de les utiliser adroitement dans un but bien déterminé pour produire des effets convoités. De nos jours, la science détient un pouvoir immense grâce à l'application systématique de la loi de causalité, à tel point qu'on peut dire que "sans la loi de causalité, il n'y a pas de science". Toutefois la science ne parvient à mettre en application que le côté physique de cette loi et touche peu encore au domaine des sciences de l’esprit. En revanche, le pratiquant bouddhiste connaît cette loi de causalité aussi bien sur le plan matériel que sur le plan spirituel. La première prédication du Bouddha à l'intention du groupe Kondanna/Kiều Trần Như et ses quatre amis ascètes, s’intéresse à la loi de causalité. Dans le présent, la Souffrance/Effet/Dukkha/Khổ quả est l’Accumulation/ Cause/ Samudaya/ Tập nhân), la Cessation de la souffrance/ Effet/ Nirodha/ Diệt quả est obtenue grâce à la Voie/ Cause/ Magga/ Đạo nhân. Ce sont les quatre vérités irréfutables, incontournables, appelées les Quatre Nobles Vérités/Tứ đế.

Ces quatre causes et effets spirituels nous permettent de supprimer toutes les souffrances et d'acquérir le Nirvana, si nous savons les pratiquer et les maîtriser avec habileté.

Cependant, de nos jours, nombreux sont ceux qui usurpent le titre de descendants directs de Bouddha mais qui ignorent la notion de causalité et ne daignent pas l’intégrer dans leur pratique. Aussi ne cessent-ils d’inventer des balivernes en vue de berner les gens. De tels individus n'ont pas compris le principe de causalité à effet, comment pourront-ils pénétrer le principe de l’Interdépendance conditionnée/Lý nhân duyên ?

3. Le Principe De l’Interdépendance Conditionnée/Lý Nhân Duyên

Un père se promène avec son fils au bord de l'eau, le petit garçon questionne son père : "D'où sort ce fleuve ?". Afin de satisfaire la curiosité du petit , le père dit: "C'est Dieu qui l'a créé". Alors l'enfant continue : "Pourquoi l'eau est-elle là?". Réponse : "C'est Dieu qui l'a créée aussi" ; Question : "Mais où est Dieu ? ". Réponse: "Il est là haut dans le ciel bleu". Alors le petit garçon est rassuré.
En vérité, les choses de ce monde ne sont pas aussi simples. Cependant, étant donné la compréhension assez restreinte du genre humain, une explication simplifiée suffit à le rassurer. Le bouddhisme rejette cette sorte d’explication trompeuse eténonce le principe de l’Interdépendance conditionnée. En effet, toute forme matérielle de ce monde résulte d'un assemblage de plusieurs éléments. Aucune chose n'existe naturellement et spontanément en toute indépendance ni ne provient d’une origine unique. Cet assemblage résulte des facteurs conditionants et conditionnés. L’interdépendance conditionnée est la vérité, les scientifiques l'ont pleinement analysée et démontrée. Il ne devrait plus subsister de doute possible.

D'après les sutras bouddhiques, notre corps physique est constitué de quatre éléments fondamentaux [terre, eau, air, feu] ou cinq agrégats [la matière (sắc), la sensation (thọ), les perceptions (tưởng), les formations mentales (hành), et la conscience (thức)] en association déterminée. Si l'on tentait de l’examiner au microscope, on verrait une multitude de micro-organismes bénéfiques ou nuisibles se disputant leur rôle de protection ou de destruction. Cela confirme ce qui a été stipulé dans les sutras : "Le corps humain est empli d’une quantité des microbes s'y incrustant". De nos jours, la science a aussi démontré que le corps humain renferme une multitude de cellules vivantes et que la matière est formée à partir d'innombrables atomes.

En vertu de la loi d'Interdépendance, aucune forme ne possède de nature propre, car toutes les formations se conditionnent réciproquement et aucune ne possède de nature propre. De plus, vu le caractère impermanent de tout ce qui existe, aucune forme n'est immuable non plus. Une chose dépourvue de nature propre, et en plus changeante, ne peut être qualifiée de «réelle», c'est pourquoi Bouddha disait : "la forme est la vacuité, la vacuité est la forme" ou bien "toute chose ayant une forme n'est qu'une apparence illusoire". Le principe d'Interdépendance implique une interconnexion prodigieuse entre les êtres, et entre les êtres et toutes choses. Nul ne peut les démêler ou les séparer, c'est pourquoi il faut respecter l'être humain et aimer toutes les choses car "l'être est un tout et tout est soi".

Ce sont toutes ces raisons stimulantes qui m'ont incité à embrasser le bouddhisme. Ecouter et suivre l'enseignement de Bouddha m'a ouvert les yeux et laissé traverser une lueur de clarté. Aussi j'ai soif de recevoir davantage de lumière et, au delà de la lumière, la Sagesse.

II. LE BOUDDHISME ATTACHE UNE IMPORTANCE CAPITALE A L'EVEIL

Si, au pied de l'arbre Bodhi, le prince Siddharta n'était pas parvenu à l'Eveil, le bouddhisme n'aurait pas vu le jour ! Le fondement du bouddhisme est l'Eveil, aussi tous les pratiquants ayant atteint le plus haut degré de perfectionnement sont des êtres éveillés. Les Bodhisattvas sont des êtres éveillés et qui guident les autres êtres vers l’éveil. Les Pratyekas-Bouddhas sont des êtres éveillés par la réalisation de la pratique de l'Interdépendance conditionnée. Les Arhats sont des êtres éveillés par la reconnaissance des Quatre Nobles Vérités. Depuis plus de 2000 ans, les Patriarches transmettent incessamment les connaissances amenant à l'éveil. Par ailleurs, cette transmission est illustrée par des images telles que "transmettre de la lumière pour maintenir le flambeau/trao đèn nối đuốc". Il s'agit ici de la lumière de la sagesse qui illumine et du flambeau de la connaissance qui éclaire la Voie. La sagesse est comme le flambeau qui éclaire et conduit l'être humain à sortir des ténèbres de l'ignorance. C'est la raison pour laquelle dans l'enseignement bouddhique, la sagesse est primordiale. L’ Āgama sūtra /Kinh A Hàm parlant du Noble sentier octuple/Bát Chánh đạo réserve les premières places à la Vue juste/Chánh kiến et à la Pensée juste/Chánh tư duy, tandis que dans le Prajῆāpāramitā Hṛdaya Sūtra/Sūtra du Coeur/Kinh Bát nhã parle des Six vertus cardinales/Lục độ, dont la Méditation/Thiền định et la Sagesse/Trí tuệ occupent les deux dernières places. L'adepte débutant doit suivre pour son entraînement le processus de Trois Connaissances/Tam Tuệ : perspicacité dans l'écoute /Văn tuệ, dans la réflexion/Tư Tuệ, et dans la pratique /Tu Tuệ. Les pratiquants plus avancés doivent en plus observer les règles éthiques/Giới luật, pratiquer la méditation/Thiền định et acquérir la Sagesse /Trí tuệ. Le degré d'éveil détermine les différents états de méditation atteints par les pratiquants, et la distinction des niveaux de compréhension de l’Enseignement est fondée sur la sagesse.

La sagesse est une vertu essentielle dans le bouddhisme. C’est la lumière qui éclaire et qui permet au pratiquant de voir la réalité de la vie, tout comme le flambeau de la sagesse éclaire le chemin afin que le pratiquant se libère de la souffrance engendrée par l'Ignorance. C'est grâce à cette lumière de sagesse qu'à son tour le pratiquant éveillé peut orienter le voyageur égaré hors des fossés dangereux, faute de quoi il sera dans l'incapacité de venir en aide aux êtres vivants. De nos jours, les humains apprécient beaucoup leur "matière grise" qu'ils utilisent dans différents domaines : injectée dans l'agriculture elle enrichit la terre et donne une récolte meilleure, fournie à l'industrie elle améliore les techniques et permet une production exceptionnelle, investie dans la politique elle rend le pays prospère, la société plus civilisée... en réglant les problèmes de pauvreté, les carences des pays sous-développés, encore faut-il que les pays les moins avancés sachent bien utiliser la matière grise afin de pouvoir progresser.

Par ailleurs, dans l'enseignement bouddhique la compassion, une autre vertu de valeur égale à celle de la sagesse, devra être pratiquée simultanément avec la sagesse de façon bien équilibrée et proportionnée. La sagesse démunie de compassion est une sagesse tarie/Càn tuệ, tout comme la compassion dépourvue de sagesse est une compassion aveugle/Si từ. Le couple sagesse-compassion est comparable à un oiseau pourvu de ses deux ailes ; privé d'un de ces atouts, l'oiseau serait dans l'incapacité de voler. Hélas! dans le monde actuel, la majorité des gens se préoccupent surtout de la matière grise. Rares sont ceux qui s'intéressent à leur coeur autant qu’à leur esprit. Mais utiliser sa matière grise sans y mettre du coeur n'est que vain espoir et ce déséquilibre mènera l'humanité à un inévitable désastre, et même à sa perte dans le futur.

III. LE BOUDDHISME EST LA RELIGION DE LA COMPASSION

L'enseignement bouddhique ne met pas l'accent sur la théorie mais sur la pratique de la compassion. Le devoir primordial de l'adepte débutant dans le bouddhisme est d'observer les cinq préceptes et le fait de bien les respecter, c'est déjà faire preuve de compassion.

En effet, ne pas tuer, c'est respecter la vie des êtres vivants. Ne pas voler, c'est respecter les propriétés et les biens d'autrui. Ne pas se livrer à l’inconduite sexuelle, c'est respecter son bonheur familial et celui des autres. Ne pas mentir, c'est préserver sa propre réputation et respecter la valeur humaine. Ne pas boire de boissons alcoolisées, ne pas consommer narcotiques ou stupéfiants, c'est préserver sa lucidité et sa santé et en même temps respecter la sécurité et l'ordre social. Concernant les religieux, Bouddha déconseille d'arracher un brin d'herbe sans raison valable, de couper une branche d'arbre ou de détruire tout bourgeon de la vie. Ne pas importuner les hommes ou leur nuire ni dégrader les choses, c'est déjà faire preuve de compassion. Il est évident que ce n'est là qu'un aspect basique de la compassion. Il faut faire un pas de plus pour pouvoir porter secours à tous, rendre service aux êtres vivants, faire don à la charité. C'est cela la vision large de la compassion.

Faire la charité c'est donner, aider, secourir ceux qui sont dans les difficultés ou dans la misère. La générosité doit être motivée par l'amour, sans quoi ce n'est pas un véritable acte de charité. Nombreux sont les fidèles qui vont à la pagode à l'occasion des grandes fêtes religieuses, pour assister par exemple à la cérémonie des prières pour les âmes errantes. Très souvent après la cérémonie, les fruits et gâteaux sont offerts à l’intention des enfants du quartier qui se disputent pour avoir le plus de friandises possibles, c'est ce que l'on appelle communément : "offrir la nourriture aux âmes errantes/Thí cô hồn". Ces fidèles confondent cette façon de donner, en jetant en l’air les vivres, avec la vraie charité. Ils se contentent aussi, en guise de charité, d'envoyer sans ménagement à l'adresse des pauvres les subsides qui ont été prévus pour eux, ou alors ils se contentent de considérer que les menus fretins qui leur ont été dérobés comptent comme une obole qu’ils auraient faite au voleur incriminé.

Or le don doit être motivé par les deux composants essentiels que sont l'amour et la considération à l'égard de celui qui reçoit. Venir en aide aux nécessiteux et aux malheureux avec tout son coeur et son respect pour le prochain, c'est agir en parfait accord avec l'esprit de la charité bouddhique. La quantité donnée importe peu, car l'essentiel réside dans l'amour et le respect à l'égard de celui ou celle qui bénéficie de notre aide. Ce sera une grande consolation pour le malchanceux qui souffre de nous voir nous pencher sur son sort avec amour, compréhension et sollicitude. Il existe différentes manières de faire la charité : soit en donnant de l'argent ou des choses utiles et nécessaires, soit en utilisant ses capacités et ses possibilités pour créer des emplois permettant aux chômeurs de trouver un gagne-pain, ou même en prêtant, sans désir d’en tirer profit, les fonds nécessaires à la création d'un petit commerce ou d’une micro-entreprise, qui sera le moyen pour le bénéficiaire de gagner de quoi nourrir sa famille, ou encore prêter main forte à ceux qui en ont besoin… Toute bonne action motivée par l'amour et l'estime, visant à secourir autrui est la concrétisation de la compassion à travers la charité.

Il est évident que la souffrance de l'homme n'est pas seulement physique, à cause de la pauvreté et du manque de quoi se nourrir, se vêtir, mais qu’elle est aussi morale, à cause des soucis, des inquiétudes, des peurs de toutes sortes, etc. Dans cecas, le don du dharma peut être d'un grand secours, car l'enseignement bouddhique peut ouvrir les yeux de celui qui le reçoit à la lumière de la sagesse, qui permet à l'homme de voir la réalité de l'existence, une existence souvent remplie des souffrances engendrées par les désirs illusoires et chimériques. La connaissance de la vérité de l’existence a le pouvoir de supprimer toute souffrance comme la lumière solaire dissipe le brouillard. Généralement, l'être humain se nourrit d'illusions et de faux espoirs, aussi sera-t-il vite désenchanté, contrarié, désespéré au premier heurt d’une réalité si différente de ce qu'il attend. L'homme qui connaît bien la vérité, lui, ne souffre plus et reste serein durant tous les instants de sa vie. Alors que l'enfant non préparé pleure et hurle de peur à l'approche d'un médecin muni d’une seringue montée d’une aiguille, l’adulte averti, malade, acceptera la piqûre sans crainte. Comme ce malade, l'individu qui est conscient de la réalité de l'existence, garde son sourire et ne se lamente pas, à l'opposé de l'être aveuglé par l'illusion, perpétuellement malheureux, mécontent et plaintif. C'est la raison pour laquelle Bouddha estime que faire la charité du dharma est bien plus indispensable que faire celle des choses matérielles, car les biens matériels ne font qu'adoucir momentanément la souffrance dans l'immédiat, alors que le don du dharma a l'avantage d'apporter à l'homme une tranquillité durable. D'où la nécessité pour les religieux de considérer le don du dharma comme l'essentiel de leur pratique en vue d'aider les êtres vivants.

Le bouddhisme respecte la vie des êtres et des choses, car tout ce qui existe aspire à la vie et redoute la mort, et donc il est insensé de vouloir détruire la vie des autres pour favoriser la sienne. Non seulement le bouddhiste ne tue pas ses semblables ni les animaux, mais il doit sauver la vie des êtres et libérer les animaux captifs, si les circonstances s’y prêtent. La compassion bouddhique est un amour immense pour les êtres de tout genre à qui l'on souhaite une longue vie saine et heureuse. Sans compassion, le bouddhisme se tarit. C’est la raison pour laquelle l’on a symbolisé la compassion par une sorte d'eau bénite, bienfaisante. Cette eau rafraîchit et fait disparaître les souffrances de toutes sortes tels que le feu de la haine qui brûle le coeur des êtres sensibles, les chagrins et soucis qui brunissent leur peau, ou la chaleur de la peur qui assèche la gorge, ce qui justifie cet adage : "La souffrance s'évanouit lorsque la compassion arrive" ou bien "Là où passe la compassion, la souffrance disparaît". Avec la compassion, l’on n’a plus le coeur de tuer ou de ligoter les êtres et animaux, mais plutôt l’on participe à la libération des êtres afin qu’ils retrouvent la liberté.

IV. LE BOUDDHISME RESPECTE LA LIBERTE

Tous les hommes aspirent ardemment à la liberté, et toute interdiction, toute contrainte venant de l'extérieur porte atteinte à la liberté. Aussi le bouddhisme n'exige de ceux qui viennent vers lui aucune obligation sinon la foi. Après avoir librement pris son engagement, le laïc bouddhiste reste libre de choisir le mode de perfectionnement à sa convenance : soit aller à la pagode pour profiter des conseils adéquats, soit rester chez lui. Il est exact qu'au cours de la cérémonie de prise de Refuge aux Trois Joyaux, le maître lui a cité cinq préceptes fondamentaux à observer qu'il est libre d'accepter ou non selon ses capacités. En réalité, ces règles ne sont que des moyens efficaces lui permettant de trouver la paix et la tranquillité de l’esprit. Cependant, le respect de la liberté n'est salutaire qu'à celui qui en a conscience et qui est doté d’une certaine volonté. Le bouddhisme n'impose aucune condition contraignante à ses adeptes, il leur laisse la liberté et la responsabilité de leur choix.

Il conçoit même que l'homme se crée des illusions et des besoins, source de souffrance ou de bien-être, de joie ou de tristesse. Par conséquent, l'homme est responsable de sa propre décision conduisant à la souffrance ou au bonheur. Nul n'a le droit d'intervenir en faveur ou en défaveur, pas même Bouddha. L’Honoré est juste un guide compétent qui nous montre le bon chemin à suivre et le mauvais à éviter. Par raison éthique, si l'on désire vivre en paix, on doit avant tout apporter la paix à son prochain. Nul autre n'est assez qualifié pour peser nos actes et nous distribuer mérite ou démérite. Préparons-nous donc à recueillir la joie si nos actions passées s'avèrent bonnes ou bien à souffrir au cas où nous avons mal agi. Puisque l'être humain est le seul maître à bord, entièrement libre de choisir la direction de sa vie et à opter pour la part de bonheur ou de malheur, il est inutile de se dérober à sa responsabilité en se remettant à une puissance invisible quelconque.

De plus, être libre c'est être capable de résister tout seul aux tentations extérieures, sans compter sur quiconque. C'est aussi vaincre les désirs d’argent, du sexe, de gloire et du pouvoir. Nombreux sont les gens qui revendiquent la liberté, tout en restant enfermés dans la prison de la gloire, de la boisson enivrante, de la concupiscence. Dans de pareils cas, comment peuvent-ils trouver la liberté ? La liberté est la vraie valeur pour les êtres humains. Pour en jouir à leur guise, il leur est nécessaire de s'armer d'énergie et de volonté tenace afin de vaincre les démons du désir charnel, de l’argent, de la célébrité, du lucre... qui sont déguisés en mille formes, dans dix mille situations, en vue de les corrompre. Il ne nous faudra pas rejeter la faute sur tous ces démons. Mais plutôt, nous devrons nous observer intérieurement jusqu’aux tréfonds de nous-mêmes. Nous découvrirons alors que les désirs viennent de nous et que c’est nous qui courons derrière nos passions. Si à l’intérieur de nous-mêmes, toutes les passions sont refroidies, les démons extérieurs ne pourront pas nous séduire. Si nous avons le courage de vaincre nos démons intérieurs, alors les monstres extérieurs capituleront. Par analogie, on peut dire que les démons intérieurs/convoitise, cupidité, etc. sont comparables aux racines d'un arbre, si l'on prend la peine de déraciner soigneusement, l'arbre meurt, faute de renouvellement des branches et des feuilles, tout comme le coeur humain est comparable à un lac. Si l'on le laisse bien se décanter, l'eau devient limpide, la boue souillée étant déposée au fond, même un vent fort ne pourrait soulever le dépôt boueux, tout juste fait des vagues à la surface du lac. Réussir à épurer les sources d'attachement aux phénomènes extérieurs, c'est devenir réellement libre, et cette véritable liberté est la cause qui conduit l'être humain à la libération totale.

La libération n'implique pas le passage dans un monde mystérieux de l’au-delà, ni une excursion en pays merveilleux, mais elle survient ici même, en ce bas monde, du seul fait que l’esprit est débarrassé de l'influence des six objets de connaissance, à savoir la vue, l'ouïe, l'odorat, le goût, le toucher et le mental. L'attachement est synonyme de perte de liberté, le non-attachement est la liberté. En fait, les six objets de connaissance, eux-mêmes, ne sont pas la cause de l'attachement, le véritable fautif étant notre coeur assoiffé. Il est insensé d'incriminer à tort la beauté ou les voix attrayantes d'avoir fait usage de leur pouvoir d’attraction pour nous ligoter, ce sont plutôt nos fâcheux penchants pour les belles choses, les mélodies harmonieuses, les plats succulents qui nous poussent à nous jeter dans leur piège. En vérité, nul n'a besoin d'aller chercher loin la libération : ici même, à condition d'avoir un esprit apte à maîtriser toutes les situations. C'est cela la véritable délivrance, la liberté parfaite.

V. BOUDDHA PRODIGUE SON ENSEIGNEMENT A CEUX QUI LE SOUHAITENT /Phật Hóa Hữu Duyên Nhơn

Le bouddhisme n'enseigne qu'à celui qui le recherche : à première vue cette attitude paraît négative. Jadis, presque toutes les pagodes étaient construites sur des montagnes reculées. Rares étaient celles installées en pleine ville. La propagation du bouddhisme elle-même se fait de façon discrète et silencieuse, non tapageuse, ce qui renforce encore plus cet aspect négatif. Mais en fait cette attitude s'accorde bien avec l'esprit bouddhique. Si nous détenons un bien précieux que nous voulons mettre à l'abri des regards inquisiteurs, nous ne pouvons pas empêcher la nouvelle de son existence de s'ébruiter tôt ou tard, car "un parfum précieux se répand au loin malgré lui, nul n'a besoin de soulever le vent/ Hữu xạ tự nhiên hương, hà tất đương phong lập", un vieil adage connu par coeur par tous les Orientaux. Conscient du caractère multiforme de la nature de l’homme, Bouddha ne veut aucunement influencer sa manière de voir et de comprendre les choses, ni son choix. Libre à chacun de choisir ce qui lui convient le mieux. C'est pourquoi le bouddhisme se garde bien de s'afficher publiquement, avec ostentation. Il préfère le calme, la réserve et la tranquillité, c'est à ceux qui le souhaitent de venir à lui. Alors c'est au tour des moines bouddhistes d'accueillir les visiteurs en quête de vérité, puis de leur prodiguer les enseignements de Bouddha, avec les explications qui leur sont appropriées afin de les amener à réaliser la Vérité. Mais il faut bien faire la part des choses: un religieux enseignant fermement convaincu de la supériorité insurpassable de sa religion, pourra, par altruisme exagéré, vouloir à tout prix convertir tout le monde à sa religion et n’hésitera pas, pour arriver à ses fins, à employer tous les moyens d’explication, tous les arguments et les prêches possibles, sans toutefois réussir à persuader des auditeurs non convaincus. S’il est affligé par cet échec, il pourra aller jusqu’à recourir à des agissements indignes et non religieux. En somme, un tel enseignant est atteint de "la maladie d’attachement à des bonnes actions/bệnh chấp thiện", une maladie fâcheuse pour l'humanité. A l’opposé de ce cas extrême, le bouddhisme se contente de propager le dharma dans ses pagodes. Ceux qui s'intéressent à l'enseignement de Bouddha viennent y assister, mais ils sont libres de s'abstenir. Peu importe la distance, quand on est motivé par la volonté de perfectionnement de soi et que l'on est conscient de la précieuse valeur d'une vraie doctrine, on fera l'effort nécessaire pour y arriver. En revanche, il est vain d'insister pour convaincre celui qui ne montre pas d'intérêt, si l’on ne veut pas risquer de subir des remontrances désagréables. Prenons un exemple concret : les plats cuisinés servis au repas peuvent convenir à un tel et non à tel autre, il vaut mieux ne pas s’attacher aux refus, étant donné la diversité des goûts, sauf à risquer des rebuffades désobligeantes. Il en est strictement de même pour les religions de ce monde : laisser à chacun la liberté de choisir sa religion selon son tempérament et son niveau de compréhension est une attitude intelligente et sage.

L'essence d'une religion est d'apporter le bonheur et le bien-être à l'humanité. Mais de nos jours, au nom de la religion, c'est plutôt le spectacle douloureux de familles profondément endeuillées qui s'offre à nos yeux. De telles erreurs graves de jugement et de conception ont conduit les êtres vivants à la souffrance. Quelle désolation! surtout lorsque l’on pense que la motivation à l'origine de toute cette souffrance est un sentiment d'altruisme, mais un altruisme passionné dépassant tout contrôle.

Quand on contemple tout cela, l'affirmation que "Bouddha ne prodigue son enseignement qu'à ceux qui y aspirent" nous paraît plus compréhensible, mieux adaptée et moins négative qu'elle ne le paraît.

RESUME

A travers ce que je viens de vous présenter, je reconnais en effet que le bouddhisme convient parfaitement à mon esprit et à mon aspiration. Au fur et à mesure que j'avance sur la voie bouddhique, je découvre toujours d'autres traits plus attrayants propres au bouddhisme qui me confortent encore davantage dans l’enthousiasme de ma pratique. Je me réjouis à l'idée que grâce à l'influence favorable de mes bons karmas antérieurs, j'ai pu adopter une religion à la fois authentique, rayonnante, compatissante, libre et tolérante. Au XXe siècle, maintes religions sont troublées par l'idée que "lorsque la science progresse, la religion recule/ Khoa học tiến thì tôn giáo thối". Pour ma part, après une analyse approfondie, je suis absolument convaincu que "le progrès de la science fait rayonner le bouddhisme/Khoa học tiến càng làm sáng tỏ đạo Phật". Quel privilège pour moi d'avoir pu choisir une religion qui ne soit pas invalidée par la science, mais plutôt qui puisse apporter, avec celle-ci, un bonheur véritable et durable à l’humanité.
 

 

Lời Tác Bạch

tacbach Cung kính ngưỡng bạch Thầy,

Hôm nay mừng Thầy qua được cơn bạo bệnh, chúng con cúi đầu đảnh lễ, kính cẩn dâng lên Thầy khúc dạ chí thành.

Chúng con còn nhớ,

Ngày 25 tháng 6 năm Tân Mão (25/7/2011), Thường Chiếu được tin Thầy lâm trọng bệnh, anh em chúng con lo lắng thắt thỏm. Mặc dù bài học duyên sinh như huyễn, có thân thì có bệnh Thầy đã dạy bao nhiêu lần, nhưng cho tới bây giờ con mới thực sự nhận ra mình chưa thuộc bài. Cho nên suốt thời gian Thầy nằm bệnh viện, không đêm nào chúng con ngủ được. Nguyện Phật gia hộ cho Thầy chóng vượt qua bệnh duyên, nguyện Thầy mau về lại với Tăng Ni tứ chúng. Chúng con còn nhớ lời Thầy đinh ninh dạy dỗ Tăng Ni tứ chúng trước đó vài hôm:

Chúng ta là đệ tử Phật, là con Phật thì lúc nào cũng nghĩ đến con đường giác ngộ, giải thoát sanh tử. Đây là con đường cao thượng nhất, quý báu nhất. Tất cả những việc làm của thế gian hay dở phải quấy, chỉ là tạm thời thôi. Điều quan trọng của chúng ta là thấy rõ con đường đưa mình tới giác ngộ giải thoát là con đường cao thượng nhất.

Thầy mong muốn, trông đợi mai sau chư Tăng chư Ni và Phật tử đều được thảnh thơi, an ổn sống được chỗ của chư Phật, chư Bồ-tát, chư Hiền Thánh Tăng hướng dẫn chỉ dạy, an trú trong niềm an lạc đó thì sự tu hành của chúng ta mới không hổ thẹn. Nếu tu có chừng, mà không biết tới chỗ chân thật thì uổng phí một đời tu. Thầy chúc Tăng Ni và Phật tử an vui, khoẻ mạnh, đi đúng với chánh pháp của Phật dạy để được giải thoát sanh tử.

Đó là chỗ trông đợi của Thầy.   

Lời dạy ấy vẫn luôn tinh khôi trong tâm khảm Tăng Ni chúng con.

Ngày 2 tháng 8 năm Tân Mão (30/8/2011) Thầy xuất viện trở về Thường Chiếu, chúng con vui mừng khôn tả. Thầy đã về rồi, tuy nhiên sức khỏe vẫn còn yếu. Mỗi sáng được hầu thăm Thầy, con thấy hạnh phúc dâng tràn, xúc cảm dâng tràn. Thầy nhìn chúng con, nắm lấy tay chúng con, khẽ cười với chúng con… Chúng con đau thắt cõi lòng, không dám nói lời nào, chỉ im lặng nhìn Thầy, như trút tất cả nỗi niềm và lòng kính thương vô bờ. Sao mà cao mà tột, mà sâu thẳm đạo tình Ân sư cốt nhục!

Con tin là Thầy thấu hiểu được tâm trạng của tất cả chúng con. Cho nên nghị lực, ý chí sống của Thầy thật mạnh mẽ, sức khỏe Thầy phục hồi mau hơn sự dự đoán của các bác sĩ. Thật hy hữu, thật phúc duyên cho Thầy và tất cả chúng con.

Kính bạch Thầy,

Cả cuộc đời Thầy hiến dâng cho đạo pháp, cho thiền tông Việt Nam, không một chút xao lãng, không một chút ngần ngại. Vì tất cả chúng con cùng chúng sanh mà Thầy quên đi tuổi tác nhọc nhằn, dấn thân vào đời dạy dỗ khắp muôn nơi. Đến khi già yếu, thị hiện thân bệnh, tứ đại chống trái, chịu nhiều bức bách đau đớn, nhưng Thầy vẫn an nhẫn, không lộ vẻ bi thống khiến chúng con lo lắng sợ hãi. Tấm gương sáng ngời này chúng con nguyện cố gắng nỗ lực noi theo. Di huấn tối cao này toàn thể chúng con xin hứa sẽ tận lực bình sinh thực hành cho bằng được, để không cô phụ công ân giáo dưỡng của Thầy.

Chân Không, Thường Chiếu, Trúc Lâm… nối liền một mảnh tình thâm, uống chung một dòng sữa thiền tông. Mà sống. Mà tu. Mà lớn lên trong nguồn sáng bi trí tròn đầy của Thầy. Huynh đệ chúng con có được ngày hôm nay là nhờ có Thầy. Nếu không có Thầy thì cũng không có chúng con ngày hôm nay. Cho nên toàn thể đệ tử chúng con không thể thiếu Thầy và chúng con thầm nghĩ Thầy cũng không muốn thiếu vắng chúng con, bất kỳ một đứa nào. Bởi vì tất cả chúng con đều là tác phẩm do Thầy nhào nặn ra. Trí tuệ này, mạng mạch này là huyết thống của Phật Tổ từ nghìn xưa để lại, chư Hiền Thánh Tăng tiếp nối truyền trao, trong đó có Thầy. Đây là sứ mệnh, là bổn phận, là mạng mạch của tất cả những người con Phật. Chúng con không ai dám quên sứ mệnh này, bởi Thầy đã dạy như thế.

Chính vì vậy chúng con luôn cần có Thầy và cần sự có mặt của nhau trong tình yêu thương kính thuận, trong nghĩa huynh đệ một nhà. Hơn bao giờ hết, lúc này là lúc chúng con xin được quây quần bên Thầy sống tỉnh thức, vui vẻ, hiếu thuận. Vì chỉ có như thế Thầy mới mau bình phục để mà sống, mà dạy dỗ chúng con cho tới ngày viên mãn.

Đốt nén tâm hương, cúi mong từ lực Tam bảo gia hộ cho toàn thể chúng con nương nơi uy đức của chư Phật chư Tổ, vâng lời Thầy dạy trên kính dưới thuận, nhất tâm tu hành, vui sống lục hòa, trang nghiêm thanh tịnh trong ngôi nhà chánh pháp. Tất cả phước lành có được xin dâng lên cúng dường đấng Tôn sư, nguyện Thầy chóng vượt bệnh duyên, thọ mạng miên trường, để dìu dẫn chúng con và tất cả chúng sanh kịp quay về cố hương trước khi bóng ngã tịch dương. 

Cúi xin Thầy rũ lòng thương xót chúng con bủa khắp mây từ, nhuần thấm thân tâm, khiến cho chúng con đồng quay về cội giác, báo Phật ân đức, toàn thành tâm nguyện của Thầy. Để ngôi nhà thiền tông Việt Nam vững bền muôn thuở, để dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử sống mãi trong lòng Tăng Ni Phật tử Việt Nam.

Nam Mô Phật Bổn Sư thích ca Mâu Ni.