Bài 15 — Am chủ chẳng đoái tới
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 19 Tháng chín 2008 09:23
- Viết bởi nguyen
57. 庵 主 不 顧 — Am chủ chẳng đoái tới
Am chủ Tường ở Liên Hoa Phong (nối pháp Lâm Tế) giơ cây gậy lên thị chúng:
– Người xưa đến chỗ này vì sao chẳng chịu trụ?
Chúng không đáp được. Sư tự đáp thay:
– Vì con đường của người khác thì chẳng đắc lực.
Lại hỏi:
– Cứu cánh như thế nào?
Rồi tự đáp:
– Vác ngang cây gậy, chẳng đoái đến người, vào thẳng ngàn núi đi! (Theo: Truyền Đăng, quyển 12.)
58. 良 邃 盡 知 — Lương Toại biết đến cùng
Tọa chủ Lương Toại ở Thọ Châu đến tham tham vấn Ma Cốc, được ấn khả. Xong, Sư trở lại Thành Đô kết thúc các khóa giảng và thiết trai cúng dường tăng chúng. Sư bảo đồ chúng rằng:
– Chỗ các ông biết đó, thì Lương Toại đều biết hết, Lương Toại biết được chỗ mà các ông chẳng biết.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 4.)
59. 常 侍 擲 筆 — Thường thị ném cây viết
Thường thị Vương Kỉnh Sơ ở Tương Châu (đệ tử Qui Sơn). Một hôm, Thị đang làm việc ở công đường thì có Hòa thượng tên là Mễ đến chỗ Thường thị. Thị liền giơ cây viết lên. Mễ hỏi:
– Phán xét được hư không chăng?
Thường thị ném viết đi vào nhà trong chẳng ra. Mễ ôm mối nghi đến sáng hôm sau, nhờ Cổ Sơn qua dò xét ý của Thường thị. Mễ đi theo núp sau tấm bình phong. Cổ Sơn vừa ngồi liền hỏi:
– Hôm qua Hòa thượng Mễ có nói câu gì, sao hôm nay chẳng thấy ông ta.
Thường thị nói:
– Sư tử cắn người, còn con chó đuổi theo cục xương.
Mễ nghe được liền tỉnh cái lầm hôm trước. Kế đó Sư bước ra, cười nói:
– Tôi hiểu rồi! Tôi hiểu rồi!
– Hiểu thì chẳng phải là không có, nhưng ông thử nói xem?
Mễ nói:
– Mời Thường thị hỏi!
Thường thị liền dựng chiếc búa lên. Sư bảo:
– Dã hồ tinh này!
Thường thị nói:
– Gã này đã triệt ngộ.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 9.)
60. 太 傅 過 泥 — Thái phó thế đưa bùn
Qui Sơn đang trét vách bằng bùn, chợt có Lý Quân Dung đến. Quân Dung mặc lễ phục nhà quan đến sau lưng Sư, cầm hốt đứng thẳng. Sư xoay đầu thấy Dung liền nghiêng mâm và làm thế tiếp nhận bùn. Lý liền giơ hốt làm thế dâng bùn lên. Sư liền buông mâm bùn xuống rồi cùng trở về phương trượng.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 9.)