Bài 23 — Bà già ăn trộm măng
- Chi tiết
- Được đăng ngày Thứ Sáu, 03 Tháng mười 2008 19:41
- Viết bởi nguyen
89. 婆 子 偷 笋 — Bà già ăn trộm măng
Sư Triệu Châu đi đường gặp một bà già, hỏi rằng:
– Bà đi đâu thế, bà!
– Tôi đi ăn trộm măng của ông Triệu Châu.
– Chợt gặp lão tăng thì bà làm sao?
Bà già liền cho Sư một tát. Triệu Châu liền thôi.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 4.)
90. 行 者 施 銀 — Hành giả cho bạc tăng
Dược Sơn sai hành giả Cam Chí cúng dường Chủ hóa.
Cam Chí liền hỏi Chủ hóa:
– Từ đâu đến?
Vị tăng (tức Chủ hóa) đáp:
– Từ Dược Sơn đến.
– Ðến để làm gỉ?
– Ðể giáo hóa.
– Có đem thuốc đến chăng?
– Hành giả có bệnh chăng?
Cam Chí liền đưa cho tăng hai thoi bạc và nói:
– Nếu có người thời đưa cho, bằng không thì thôi.
Dược Sơn liền kêu vị tăng ấy về gấp. Tăng nói:
– Phật pháp tương đương với hai thoi bạc.
Dược Sơn bảo tăng kể lại lời kia. Tăng kể xong, Dược Sơn bảo tăng trả lại thoi bạc cho hành giả. Hành giả thấy tăng trở lại liền nói:
– Còn quay lại à!
- Hành giả bèn đưa thêm bạc cho vị tăng ấy. Hành giả là cư sĩ ở chùa tập sự tu.
(Theo: Truyền Đăng, quyển 14.)
91. 莊 宗 得 寶 — Trang Tông được ngọc quí
Ðời Hậu Ðường, vua Trang Tông xa giá đến Hà Bắc, quay trở về hành cung ở Ngụy Phủ, cho mời Thiền sư Hưng Hóa Tồn Tương đến, hỏi rằng:
– Trẫm thâu Trung Nguyên được một hòn ngọc quí, chưa có ai dám trả giá!
Hưng Hóa nói:
– Mời bệ hạ cho xem hòn ngọc quí?
Vua dùng hai bàn tay cởi khăn bịt đầu (khăn bịt đầu bốn bên rủ xuống). Hưng Hóa nói:
– Ngọc quí của Quân vương ai dám trả giá.
- Huyền Giác Trung bình: Hãy nói Hưng Hóa chấp nhận Trang Tông, thì mắt của Hưng Hóa ở đâu? Nếu chẳng chấp nhận Trang Tông thì lỗi ở chỗ nào?
Vua nghe Sư nói thế rất vui, bèn ban cho Sư hiệu là Hưng Hóa và cho Sư y hồng, song Sư chẳng nhận. Vua bèn sai cấp cho Sư một con ngựa.
Một hôm Sư đang cưỡi ngựa; ngựa chợt kinh sợ, quẳng Sư té bị thương chân. Vua lại cho thuốc trị bệnh. Sư gọi Viện chủ:
– Ông hãy làm cho tôi một cái nạng cây.
Viện chủ làm xong đem lại cho Sư. Sư nhận lấy chống đi quanh viện, hỏi Tăng:
– Các ông có biết lão tăng chăng?
– Ai mà không biết Hòa thượng!
Sư bảo:
– Pháp Sư què nói được mà hành (đi) chẳng được!
(Theo: Truyền Đăng, quyển 12.)
92. 船 子 得 鱗 — Thuyền Tử được cá vàng
Thiền sư Ðức Thành ở Tú Châu, tiết tháo tuyệt vời, độ lượng xuất chúng, được ấn tâm nơi Dược Sơn. Sư kết bạn với Ðạo Ngô, Vân Nham, tình đạo bạn của họ rất thân thiết. Lúc rời Dược Sơn, Sư liền bảo với hai bạn cùng chung chí hướng rằng:
– Các sư huynh, mỗi vị ở mỗi nơi dựng lập tông chỉ Dược Sơn, riêng tôi theo tính thô sơ quê mùa, chỉ thích non nước và lấy đó làm vui, tôi thật không có khả năng trụ trì. Ngày khác, các sư huynh biết chỗ tôi dừng trụ, nếu gặp Tọa chủ nào linh lợi hãy chỉ đến cho tôi một người. Nếu y chịu được sự mài giũa, tôi sẽ đem sở đắc từ trước tới nay truyền dạy để báo đáp ân đức của Tiên sư.
Nói xong, ba người chia tay nhau. Sư đến Tú Châu, sắm một chiếc thuyền nhỏ lênh đênh trên bến Hoa Ðình, tùy duyên sống qua ngày để tiếp người qua lại khắp bốn phương, người đương thời tuy chẳng biết được hành tung của Sư, nhưng hết sức tôn kính, gọi Sư là Hoa Ðình Thuyền Tử Hòa thượng. Một hôm, Sư đậu thuyền ven bờ, ngồi nghỉ, dáng điệu hết sức nhàn nhã. Có một vị quan hỏi:
– Thế nào là việc hằng ngày của Hòa thượng?
Sư dựng mái chèo, hỏi:
– Hiểu chăng?
Vị quan đáp:
– Chẳng hiểu.
Sư nói:
– Chèo tạt sóng xanh, cá vàng ít gặp!
Sư có một bài kệ:
三 十 年 來 坐 釣 臺 | Tam thập niên lai tọa điếu đài |
鈎 頭 往 往 得 黃 能 | Câu đầu vãng vãng đắc hoàng năng |
金 鱗 不 遇 空 勞 力 | Kim lân bất ngộ không lao lực |
收 取 絲 綸 歸 去 來 | Thâu thủ ti luân qui khứ lai. |
Ba mươi năm chẵn, ngồi buông câu,
Một cần câu mãi chẳng thành nghề.
Cá vàng chẳng gặp hao tổn sức,
Cuốn lấy dây câu vác trở về.
Về sau, Ðạo Ngô đến Kinh Khẩu, gặp lúc Giáp Sơn thượng đường, tăng hỏi Giáp Sơn:
– Thế nào là pháp thân?
– Pháp thân không tướng.
– Thế nào là pháp nhãn?
– Pháp nhãn không vết.
Ðạo Ngô bất giác bật cười. Giáp Sơn liền bước xuống tòa thưa hỏi Ðạo Ngô rằng:
– Tôi cùng tăng đối đáp đến đây ắt có chỗ chẳng phải, khiến cho Tọa chủ phì cười. Ngưỡng mong Tọa chủ chẳng tiếc lòng từ bi chỉ dạy cho.
Ðạo Ngô đáp:
– Hòa thượng thuộc về hạng xuất thế nhưng chưa có thầy.
Giáp Sơn thưa:
– Tôi có chỗ nào chẳng phải mong ngài nói toạc ra.
– Tôi chẳng nói đâu, mời Hòa thượng đi đến chỗ của Hoa Ðình Thuyền Tử.
– Người này thế nào?
– Người này trên không có một miếng ngói để che, dưới không có một cây dùi để cắm. Hòa thượng có đến thì hãy thay đổi y phục mà đến.
Sơn bèn giải tán chúng, gói ghém hành trang đi đến chỗ ấy. Hoa Ðình Thuyền Tử vừa thấy Sơn liền hỏi:
– Ðại đức trụ trì nơi nào?
– Chùa tức chẳng trụ, trụ tức chẳng giống.
– Chẳng giống là chẳng giống cái gì?
– Chẳng phải pháp trước mắt.
– Học được cái đó ở đâu?
– Chẳng phải chỗ tai mắt đến.
– Một câu nói dù có hợp lí nhưng vẫn là cây cọc cột con lừa đến muôn kiếp.
Sư lại hỏi:
– Thả nhợ tơ ngàn thước, ý ở tại đầm sâu, lìa lưỡi câu ba tấc sao chẳng nói đi?
Giáp Sơn định mở miệng, bị Sư đập một mái chèo té xuống nước. Giáp Sơn vừa leo lên thuyền, Sư lại bảo:
– Nói! Nói!
Giáp Sơn định mở miệng, Sư lại đập Sơn một mái chèo. Sơn hoát nhiên đại ngộ, liền gật đầu ba cái. Sư nói:
– Nhợ tơ đầu cần mặc anh đùa, chẳng chạm sóng xanh ý tự khác.
Sơn liền hỏi:
– Ném nhợ thả câu, ý thầy thế nào?
– Nhợ tơ dò xét nước, định xem ý có-không!
– Lời huyền diệu mà không đường, đầu lưỡi luận bàn mà chẳng nói.
Sư bảo:
– Câu khắp dòng sông mới gặp cá vàng.
Sơn liền bịt tai. Sư bảo:
– Như thế! Như thế!
Sư liền dặn dò:
– Ông từ nay về sau phải ở chỗ ẩn thân mất dấu vết, chỗ mất dấu vết chớ ẩn thân. Ta ở chỗ Dược Sơn gần hai mươi năm mới sáng được việc này. Nay ông đã được, về sau chớ ở nơi hàng xóm tụ lạc mà hãy đi vào trong núi sâu, bên cây cuốc tìm lấy một người ưu tú để tiếp nối Tông phái của ta.
Sơn liền từ giã Sư mà đi. Khi bước đi, Sơn thỉnh thoảng xoay đầu lại nhìn. Sư bèn gọi:
– Xà lê!
Sơn liền quay đầu lại. Sư dựng đứng mái chèo nói:
– Ông cho rằng còn có cái gì khác nữa ư!
Rồi Sư lật úp thuyền xuống mà tịch.
Bài tụng của Hoa Ðình Thuyền Tử Ðức Thành:
三 十 年 來 海 上 遊 | Tam thập niên lai hải thượng du |
水 清 魚 現 不 吞 鈎 | Thủy thanh ngư hiện bất thôn câu |
釣 竿 斫 盡 重 栽 竹 | Ðiếu can chước tận trùng tai trúc |
不 計 功 程 得 便 休 | Bất kế công trình đắc tiện hưu. |
Ba chục năm rồi kiếp nổi trôi
Nước trong sao cá chẳng nuốt mồi
Cần câu chặt hết, trồng trúc khác
Bất kể công trình, được mới thôi.
(Theo: Hội Nguyên, quyển 5.)